Nhiều người phản ứng dữ dội với quyết định của tòa án khi bác đơn ly hôn của Xiong. Ảnh minh họa: SCMP. |
Người phụ nữ họ Xiong, đến từ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, nhận được nhiều sự đồng cảm trên mạng xã hội sau khi tòa án từ chối yêu cầu ly hôn của cô với người chồng họ Ou và yêu cầu cô trở về chăm sóc gia đình, Sina News đưa tin.
Trước khi kết hôn vào năm 2015, Xiong có 4 con gái với Ou và sinh thêm 2 bé gái sinh đôi sau đó.
Việc nuôi dạy 6 cô con gái khiến Xiong kiệt sức, nhưng Ou nói rằng cô không thể ngừng sinh cho đến khi nào có con trai. Xiong sốc và nhận ra chồng chỉ cần mình để đẻ con.
Tháng 10/2019, Xiong bỏ về nhà cha mẹ đẻ. Đến tháng 6 năm nay, cô đệ đơn ly hôn với lý do cuộc hôn nhân với Ou không thể tiếp tục.
Tuy nhiên, trong phiên tòa xét xử, thẩm phán Tan Mengsi tỏ thái độ phản đối và cáo buộc Xiong không hoàn thành “vai trò” người mẹ khi không nuôi dạy các con. Tan cho rằng cô không thể chứng minh cuộc hôn nhân của mình đã tan vỡ.
Cuối cùng, tòa án bác đơn ly hôn, yêu cầu Xiong trở về chăm sóc 6 con gái và đảm nhận những trách nhiệm gia đình không tên khác.
Tòa án yêu cầu Xiong phải trở về nhà chăm sóc 6 cô con gái. Ảnh: Baidu. |
Câu chuyện làm dấy lên làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội Trung Quốc.
Phụ nữ phải sinh con trai là quan niệm cổ hủ ở Trung Quốc. Dữ liệu điều tra dân số năm 2021 do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy tỷ lệ giới tính của nước này vẫn nghiêng về nam giới, với 723 triệu nam giới so với 689 triệu nữ giới vào năm 2020. Trong độ tuổi kết hôn 20-40 theo quan niệm truyền thống, nam giới nhiều hơn nữ giới 20 triệu người.
Cũng tại nước tỷ dân, ly hôn vẫn là điều cấm kỵ và không được thảo luận công khai. Nhận thức tiêu cực về phụ nữ chia tay chồng ở nước này có thể bao gồm việc họ thiếu đạo đức, lăng nhăng và không giữ được gia đình.
Nhà có nhiều cột
Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.