Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Để hạn chế áp lực quà cáp dịp lễ Tết

Với nhiều người, việc chọn quà biếu cấp trên, đồng nghiệp, người thân hay bạn bè dường như là gánh nặng thay vì niềm vui.

Với nhiều người, việc chọn quà biếu cấp trên, đồng nghiệp, người thân hay bạn bè dường như là gánh nặng thay vì niềm vui.

chon qua Tet anh 1

Điểm chính:

  • Nỗi lo tặng quà thường đến từ việc cạnh tranh, hoặc xem trọng giá trị vật chất hơn tinh thần.
  • Lập danh sách người nhận và để riêng khoản tiền quà sẽ phần nào giải tỏa áp lực tài chính.
  • Không có món quà hoàn hảo mà chỉ có món quà phù hợp.

Quà tặng vốn là công cụ hữu hiệu để thể hiện tình cảm vào những dịp đặc biệt. Dù vậy, không phải ai cũng vui vẻ, hào hứng trong chuyện chọn quà.

Ngoài vấn đề tài chính, ý nghĩa món quà và phản ứng của đối phương là hai mối bận tâm lớn nhất, khiến không ít người trở nên căng thẳng, bồn chồn hơn là tận hưởng quá trình chuẩn bị.

Một báo cáo trên Tạp chí Nghiên cứu Người tiêu dùng (Mỹ) gọi hiện tượng này là gift-giving anxiety, nghĩa là nỗi lo khi tặng quà. Cảm giác hồi hộp đó kỳ thực khá phổ biến. Mỗi khi Tết đến xuân về, nó lại xuất hiện và "làm phiền" số đông nhiều hơn.


Vì sao quà cáp làm bạn lo lắng?

Dựa trên một số biểu hiện như lo ngại quá đà với hoạt động xã giao hay sợ bản thân tự làm xấu hổ, có thể tạm gọi nỗi lo tặng quà là một dạng rối loạn lo âu xã hội. Tùy hoàn cảnh sống và cá tính mà mỗi người trải nghiệm theo các cách khác nhau.

Vừa ra trường đi làm khoảng một năm, Thanh Trúc (22 tuổi, quận 3, TP.HCM) nói một trong những giới hạn cô gặp phải khi sắm quà Tết là ngân sách không dư dả. Một số người có xu hướng ưu ái đồ của thương hiệu cao cấp, trong khi đó, những sản phẩm này đa phần có giá thành không rẻ.

Vài lý do khác được nêu trong báo cáo bao gồm áp lực tìm quà hoàn hảo, người được tặng khó chiều, thiếu thời gian suy tính và lựa chọn.

Trong nhiều trường hợp, người tặng bỏ tiền bạc, công sức vào món quà và thấp thỏm chờ phản hồi của người nhận.

Tất cả nguyên nhân trên đều có thể là yếu tố gây ra trạng thái đứng ngồi không yên. Mức độ lo lắng còn phụ thuộc vào mong muốn được chấp nhận, hoặc ám ảnh việc món quà sẽ bị người khác chê cười, không thích thú.


Khi nào nỗi lo trở nên vô lý?

Cảm giác hồi hộp là khó tránh khỏi nếu bạn để tâm vào từng phần quà và cảm xúc của người cầm chúng. Tuy nhiên, gift-giving anxiety có thể trầm trọng hơn một chút, như cách bạn liên tục tự vấn bản thân rằng:

  • Đối phương sẽ phản ứng như thế nào? Có khi nào họ ghét quà không?
  • Liệu họ đã sở hữu thứ tương tự hay chưa?
  • Họ có nghĩ mình đầu tư quá đáng không?
  • Làm gì nếu người nhận so sánh mình với người khác?
  • Chẳng may quà mình tặng họ không giá trị bằng quà họ tặng mình thì sao?

Chính những câu hỏi trên sẽ biến việc sắm đồ cho người bạn yêu thương thành ác mộng. Tệ hơn nữa, chúng có thể khiến bạn dao động ngay cả khi nhận quà từ ai đó.

chon qua Tet anh 2chon qua Tet anh 3


Thay đổi góc nhìn để bớt căng thẳng

Nghiên cứu của Tiến sĩ Julian Givi, Đại học West Virginia, Mỹ, cho thấy vấn đề đằng sau nỗi lo tặng quà thường nằm ở cách người tặng nhìn nhận và đối chiếu với người xung quanh.

Thay vì đánh giá món quà dựa trên sự thấu đáo, một vài người lầm tưởng đối phương sẽ chỉ quan tâm giá trị vật chất, từ đó chăm chăm tiêu tiền và tự tạo sức ép cho mình.

Ví dụ, một người đã quyết định đặt cho sếp mình chiếc áo trị giá 500.000 đồng, nhưng khi biết đồng nghiệp biếu sản phẩm có giá một triệu đồng, nhiều khả năng họ sẽ đổi kế hoạch và mua thêm một món nữa.

Ở cương vị người được cho quà, thực tế chúng ta không quan tâm đến chi phí nhiều như vậy, theo Tiến sĩ Givi. Do đó để thư giãn hơn, bạn có thể tập chú ý vào thông điệp của món quà, đồng thời đặt mình vào vị trí người nhận. Cá nhân bạn sẽ cảm động trước những kiểu quà gì?

Đừng quá so đo, tính toán là lời khuyên từ Nhà tâm lý gia đình Jenn Berman. Tặng quà là một cách bày tỏ tình cảm, có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng ta không nâng nó thành tiêu chuẩn để tranh đua, kiếm lợi.

Ngoài ra, bạn nên thử:

  • Tặng vật phẩm có thể sử dụng lâu dài. Thay vì chỉ trông đợi khoảnh khắc mở quà, hãy nghĩ đến lúc người nhận dùng quà của bạn hàng ngày, hàng tháng.
  • Kể một chút về quá trình tìm và lựa quà nhưng không khoe khoang.
  • Tặng bất ngờ, đừng quên đính kèm lời nhắn được cá nhân hóa.
  • Tài trợ người nhận mua món họ thích.
  • Lập ngân sách cụ thể cho quà cáp và liệt kê người bạn muốn gửi quà. Đây cũng là checklist để bạn theo dõi, không bỏ sót ai quan trọng.
  • Với người không thân lắm hoặc bạn chưa rõ họ muốn gì, cách an toàn là chọn những loại phổ biến như bánh mứt Tết, đồ trang trí tường, văn phòng phẩm.

Tuy không thể kiểm soát cách người khác hồi đáp, bạn có thể tập trung vào trải nghiệm của mình để hạn chế thất vọng.

Suy cho cùng, tặng quà không phải là một nghĩa vụ. Và nếu nó khiến bạn đánh mất niềm vui mình đáng phải có, bạn hoàn toàn có quyền cân nhắc lược bỏ và tận hưởng mùa lễ hội theo cách riêng. Tất nhiên là với những mối liên hệ thực sự chất lượng.

Thiên Hân

Đồ hoạ: Yến Nhi

Bạn có thể quan tâm