Chiều 3/9, hàng chục người từ nhiều nơi tìm đến đến chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP.HCM) mong tìm được đúng tro cốt người thân khi hay tin nhiều hũ cốt gửi tại đây bị rớt bảng tên, chất sau chùa. Đại diện chùa Kỳ Quang 2 cho biết nhà chùa rất lấy làm tiếc về việc thất lạc bảng tên ở hũ cốt người quá cố và hứa cố gắng khắc phục hậu quả.
Ở góc độ pháp lý, nhiều người thắc mắc hành vi làm thất lạc di ảnh, bảng tên và chất tro cốt của người đã khuất vào góc chùa có phạm vào tội Xâm phạm mồ mả, hài cốt?
Trao đổi với Zing, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng cơ quan chức năng cần làm rõ mục đích của hành vi này là gì, lỗi cố ý hay chỉ vô ý.
Việc người ở trong chùa Kỳ Quang 2 vứt bỏ bừa bãi, làm rời ra dấu vết để không thể nhận biết được tro cốt với danh tính người đã khuất là hành vi rất đáng lên án. Đây là hành vi xâm phạm đến “phần còn lại” của người chết mà thân nhân thờ cúng theo tín ngưỡng.
Các hũ tro cốt bị vứt lộn xộn ở chùa Kỳ Quang 2. Ảnh: Bạn đọc cung cấp. |
"Tôi cho rằng xâm phạm tro cốt là xâm phạm đến phong tục tập quán của cộng đồng xã hội đối với 'phần còn lại' của người quá cố, tương tự xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt ở mức độ nghiêm trọng là tội phạm hình sự được quy định tại Điều 319 Bộ luật Hình sự năm 2015", luật sư Dũng nói.
Tuy nhiên, điều luật chỉ liệt kê các hành vi xâm phạm, gồm: Đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ, hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Cho nên luật sư cho rằng chưa thể xem hành vi “xâm phạm tro cốt” là tội phạm vì nguyên tắc chỉ những hành vi vi phạm quy định trong Bộ luật Hình sự mới xem là tội phạm.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng theo quy định của pháp luật về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, hành vi đào, phá hoặc một hình thức khác xâm phạm đến thi thể, hài cốt thì phải do lỗi cố ý của chủ thể thực hiện.
Ngoài ra, pháp luật quy định hành vi xâm phạm “hài cốt” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Song, với vụ việc của chùa Kỳ Quang 2 là “tro cốt” nên rất khó để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
Do đó, các luật sư cho rằng chưa có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của một số cá nhân tại chùa Kỳ Quang 2. "Tuy nhiên, việc làm này là thiếu trách nhiệm và buộc phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự", luật sư Hùng nêu quan điểm.
Nhiều hũ hài cốt được di dời khỏi tòa sen và thất lạc bảng tên. Ảnh: M.T. |
Luật sư Trần Đình Dũng nhấn mạnh hành vi xâm phạm các hũ tro cốt là xâm phạm đến tín ngưỡng thờ cúng, gây tổn thất tinh thần cho thân nhân người chết và hành vi này tương tự như xâm phạm hài cốt, nhưng không vi phạm pháp luật hình sự. Đây là một trong các trường hợp pháp luật chưa dự liệu.
"Tôi cho rằng cần phải bổ sung hành vi xâm phạm tro cốt vào Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt quy định tại Điều 319 Bộ luật Hình sự", ông đề nghị.
Hòa thượng Thích Thiện Chiếu (trụ trì chùa Kỳ Quang 2) cho biết trải qua hàng chục năm, nơi chứa và thờ tro cốt người quá cố xuống cấp, hư hỏng nhiều hạng mục. Từ tháng 3, số người đến thăm viếng tro cốt người thân vắng nên nhà chùa quyết định xây lại nơi thờ tự cho trang nghiêm.
Trong quá trình xây dựng và di dời, nhiều hũ tro cốt bị rơi rớt bảng tên. Các hũ tro cốt vẫn được giữ nguyên tại chùa chứ không đưa đi nơi khác.
“Việc rớt bảng tên hũ cốt là trách nhiệm của tôi. Xin mọi người hoan hỉ để chùa cố gắng hết sức sửa chữa lại nơi thờ tự trang nghiêm và khắc phục hậu quả”, hòa thượng Thích Thiện Chiếu nói.
Trong khi đó, trao đổi với Zing, thượng tọa Thích Đức Thiện (Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho biết Giáo hội đã làm việc với sư trụ trì Thích Thiện Chiếu. "Trụ trì của chùa đã xin lỗi phật tử, người dân. Trong thời gian sớm nhất, nhà chùa sẽ thu xếp, kể cả phải thử ADN, để xác định danh tính các hũ tro", Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Bên cạnh đó, ngày 4/9, Giáo hội sẽ có văn bản gửi cho ban trị sự các tỉnh, thành phố để kiểm tra lại việc quản lý tro cốt ở chùa sao cho trang nghiêm.