Iốt là một khoáng chất vi lượng cần thiết cho cơ thể. Trong điều kiện bình thường, cơ thể con người có khoảng 20-30mg iốt, hầu hết tập trung trong tuyến giáp (hơn 75%), nằm ở cổ ngay dưới hộp thoại, còn lại phân tán trong tuyến vú, lớp lót thành dạ dày, nước bọt và trong máu. Nhu cầu iốt của cơ thể con người được tính bằng microgam (mcg) và thay đổi theo tuổi tác cùng các giai đoạn sinh lý.
Vi chất dinh dưỡng thiết yếu
Iốt trong thiên nhiên được dự trữ trong nước mưa, nước biển. Những người sống trong vùng cách xa biển sẽ dễ bị thiếu iốt, từ đó có nguy cơ cao mắc phải bệnh bướu cổ. Tại các vùng này, cơ thể con người chỉ được đáp ứng khoảng 20-80mcg iốt/ngày, bằng 10-36% so với nhu cầu trung bình. Theo các nhà khoa học, những người sống trong vùng thiếu iốt, chỉ số thông minh sẽ bị giảm từ 10-20 điểm.
Hiện nay, nhiều vùng đồng bằng xảy ra hiện tượng thiếu iốt. Đất, nước cùng thiếu iốt nên rau màu, hoa quả, vật nuôi trồng và phát triển tại các vùng này cũng bị thiếu iốt. Cơ thể con người cần được đáp ứng cả nhu cầu về lương thực và thực phẩm nên khi ăn các loại thực phẩm này cũng không tránh khỏi tình trạng thiếu iốt. Ngoài ra, nhiều loại thức ăn có thành phần rất phức tạp, trong đó có thể có chứa những chất cản trở quá trình hấp thu iốt vào cơ thể.
Tác dụng của iốt thể hiện thông qua quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp- loại hormone quan trọng nhất trong cơ thể, làm nhiệm vụ trao đổi chất, giúp cơ thể tồn tại và phát triển.
Duy trì quá trình trao đổi năng lượng của cơ thể: Iốt đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì quá trình trao đổi năng lượng trong cơ thể, cụ thể là nó thực hiện phân giải vật chất, cung cấp các năng lượng cần thiết cho các hoạt động của cơ thể và sản sinh ra nhiệt nhằm duy trì nhiệt độ cơ thể. Nếu thiếu iốt sẽ làm cho lược hormone tuyến giáp tiết ra bị giảm, từ đó làm tổn thương các hoạt động cơ bản giúp duy trì sự sống cho cơ thể, đồng thời thiếu iốt cũng làm suy giảm các chức năng của cơ thể.
Thúc đẩy quá trình phát triển của cơ thể: Hormone tuyến giáp có tác dụng khống chế quá trình phát triển cơ, xương, giới tính, chiều cao của con người ở giai đoạn phát triển. Do đó, nếu thiếu hụt hormone này, cơ thể sẽ phát triển không bình thường. Hỗ trợ phát triển trí não: Ngoài ra, thiếu hụt hormone tuyến giáp còn ảnh hưởng tới quá trình phát triển trí não, về lâu dài nó cản trở sự phát triển trí tuệ.
Biến chứng vì thiếu iốt
PGS.TS. Trần Văn Tập (Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dinh dưỡng, Bệnh viện 103) cho biết, cơ thể mỗi người trưởng thành cần khoảng 200-250mcg iốt mỗi ngày, riêng phụ nữ có thai và cho con bú có nhu cầu iốt nhiều hơn.
Từ vai trò quan trọng của iốt đối với cơ thể, mỗi người cần phải bổ sung đầy đủ iốt để không rơi vào tình trạng thiếu iốt. Theo bác sĩ Tập, tất cả các triệu chứng thiếu hụt iốt đều ảnh hưởng đến tuyến giáp.
Bướu cổ: Đây là biểu hiện rõ rệt nhất nhất khi bị thiếu iốt khiến tuyến giáp mở rộng bất thường. Triệu chứng dễ nhận thấy của bệnh bướu cổ đó là sự hình thành cục u ở vùng cổ. Theo bác sĩ Tập, bệnh bướu không chỉ gây khó chịu cho người bệnh mà nó còn chèn ép khí quản gây khó thở, chèn ép thực quản gây khó nuốt, chèn ép tĩnh mạch, nhân của nó có thể gây ung thư. Khi mắc bệnh này, người bệnh buộc phải mổ kết hợp với dùng thuốc.
Suy tuyến giáp: Đây là một trong các triệu chứng thiếu hụt iốt phổ biến nhất trên thế giới. Suy tuyến giáp làm chậm lại quá trình phát triển của cơ thể, nó khởi phát với các biểu hiện rất mơ hồ như mệt mỏi, buồn ngủ, trí nhớ bị giảm sút, táo bón. Phụ nữ có thể bị chảy máu âm đạo bất thường, tóc khô và rụng nhiều, đặc biệt người bệnh có thể bị hôn mê đột ngột.
Rối loạn do thiếu iốt: Tình trạng thiếu iốt đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ em và phụ nữ mang thai hay đang nuôi con nhỏ. Các vấn đề về tuyến giáp trong những thời điểm quan trọng của thai kỳ có thể dẫn đến thai chết lưu, sẩy thai hoặc khiến trẻ bị đần độn, dị tật bẩm sinh; ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ dẫn đến khả năng học tập của trẻ bị yếu kém. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thiếu iốt cho dù là thể nhẹ cũng làm giảm 13,5 điểm IQ của mỗi trẻ, hạn chế năng lực học tập của các em.
Về mặt xã hội, bác sĩ Tập nhấn mạnh: thiếu iốt còn làm giảm năng suất lao động, giảm sự phát triển trí tuệ của cả một cộng động.
Dự phòng và điều trị
Để đảm bảo sức khỏe không rơi vào tình trạng thiếu iốt, bác sĩ Tập khuyến cáo giải pháp đơn giản và kinh tế đó là sử dụng muối iốt hàng ngày. Các nhà sản xuất thường cho thêm 25g muối kali iốt đưa vào 1 tấn muối ăn để tạo thành muối iốt và đóng gói bán ra thị trường. Hàm lượng iốt trong muối chỉ chiếm một phần nhỏ, lại không màu, không mùi, không gây phản ứng hóa học nên có thể dùng muối iốt nêm vào các món ăn thay cho muối bình thường.
Mỗi ngày chỉ cần dùng khoảng một thìa cà phê muối iốt là đảm bảo cung cấp đủ lượng iốt cần thiết cho cơ thể. Nên đựng muối iốt trong lọ có nắp đậy kín hoặc buộc chặt trong túi nilon, để ở nơi thoáng mát, tránh gần bếp lửa hoặc nơi có ánh nắng chiếu vào. Vì iốt là chất dễ bay hơi nên không được rang trên lửa nóng. Bên cạnh đó, để phòng tránh hiện tượng thiếu iốt, có thể dùng thuốc chống bướu cổ cho trẻ em và phụ nữ có thai theo chỉ định của các bác sĩ.
Một phương pháp cung cấp iốt khác đó là bổ sung từ thức ăn chứa hàm lượng iốt cao như cá biển. Chẳng hạn trong 1kg cá thu có chứa tới 1,7-6,2 miligam iốt, ngoài ra loại cá này cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như protein, acid béo không no, canxi, phospho, kẽm…
Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều iốt cũng nguy hiểm không kém. Sử dụng quá nhiều iốt có thể gây ngộ độc với các biểu hiện là cháy miệng, cổ họng, dạ dày, gây nôn ói, tiêu chảy, hôn mê và ảnh hưởng đến tính mạng.
Một số ứng dụng của iốt
- Muối iốt (muối ăn được trộn với một lượng nhỏ kali iốtđua hoặc kali iốtđát)
- Thuốc bôi iốt (5% iốt trong nước/etanol) để sát trùng vết thương, khử trùng bề mặt chứa nước uống trong gia đình, dùng làm một số dược phẩm khác…
- Iốt 131 dùng để trị ung thư tuyến giáp, bệnh Grave và cũng dùng trong chụp ảnh tuyến giáp.
- Iốt 123 dùng để tạo ảnh và xét nghiệm hoạt động của tuyến giáp.
- Iốt đua kali (KI) có thể dùng để điều trị bệnh nhân bị ảnh hưởng của thảm họa hạt nhân để rửa trôi đồng vị phóng xạ iốt-131, kết quả của phản ứng phân hạch hạt nhân.