Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đẻ không đau: Tìm đến cây lá nhưng cẩn thận là... thuốc độc

Vượt cạn đối với mỗi người phụ nữ là một trải nghiệm đầy nguy nan. Để đỡ đau, một số chị em đang tìm đến “bài thuốc” từ cây cỏ, hoa lá để giảm đau khi sinh nở.

Vượt cạn đối với mỗi người phụ nữ là một trải nghiệm đầy nguy nan. Để giúp chị em đỡ khổ, kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng đã ra đời và được nhiều chị em đón nhận. Nhưng không ít người dù đã gây tê nhưng vẫn “kêu trời” vì đau. Một số chị em khác lại đang tìm đến “bài thuốc” từ cây cỏ, hoa lá để giảm đau khi sinh nở.

Nhiều chị em đã tìm đến “bài thuốc” từ cây cỏ, hoa lá để giảm đau khi sinh nở.

    Tiêm thuốc gây tê vẫn đau vật vã

    Rất nhiều bà bầu, gần đến ngày sinh đều lo sợ đau đẻ nên đã tìm hiểu phương pháp đẻ không đau bằng gây tê ngoài màng cứng. Tuy nhiên, có không ít phụ nữ sau khi trải qua cuộc vật lộn mang tên "đẻ không đau" thất bại đã đưa ra lời cảnh báo khiến nhiều chị em hoang mang không biết có nên chọn gây tê ngoài màng cứng khi đẻ nữa hay không.

    Chị Hoàng Anh (Hà Nội) than thở: Bác sĩ nói, gây tê ngoài màng cứng thì sẽ không có cảm giác đau đẻ nữa, ấy thế mà tôi vẫn đau đẻ bình thường, còn có phần đau kinh khủng hơn do mình không được chuẩn bị tâm lý từ trước…

    Khi chuyển dạ, tôi được gây tê ngoài màng cứng. Cảm giác đau do gây tê thật kinh khủng. Ban đầu là mũi tiêm thuốc tê, sau đó là công đoạn luồn ống nhựa vào trong cột sống. Khoảng 15 phút sau, tôi bắt đầu thấy run rẩy toàn thân, hai chân tê dại và cơn đau chuyển dạ giảm hẳn. Chỉ một lúc sau đó, hai chân tôi hoàn toàn hết tê, cảm giác đau đớn khiến tôi hoảng loạn, tôi cứ nghĩ rằng đã gây tê ngoài màng cứng rồi thì sẽ không đau đớn gì nữa.

    Cơn đau ngày một dữ dội đến tận lúc người ta đặt con lên trên bụng tôi. Nhưng kinh khủng nhất là khi khâu vá, cảm giác đau thấu trời xanh, 1 giờ sau khâu cũng là lúc tôi mệt lả, kiệt sức… Vậy là tôi đã phải mất một khoản phí để mua dịch vụ đẻ không đau nhưng rồi đau vẫn hoàn đau.

    Theo các chuyên gia sản khoa, phương pháp gây tê ngoài màng cứng hoặc tủy sống có ưu điểm giúp giảm đau nhanh. Hiệu quả của thuốc chỉ khu trú một vùng nên sản phụ vẫn cảm nhận được toàn bộ quá trình chuyển dạ và sinh con của mình. Nếu thực hiện đúng kỹ thuật và chỉ định, việc gây tê ngoài màng cứng hầu như không ảnh hưởng gì về sau. Một số tác dụng phụ có thể gặp như chóng mặt, đau đầu nhẹ, hạ huyết áp, lạnh run, buồn nôn, nôn, đau lưng, rối loạn chức năng bàng quang…

    Tuy nhiên, có một điều rất lạ là khi tư vấn, bác sĩ rất ít khi nói đến tỉ lệ thất bại của phương pháp này, trong khi gây tê ngoài màng cứng chỉ giảm đau đến 70% và không ít trường hợp thuốc gây tê không có tác dụng. Vì vậy, nhiều phụ nữ đã rất thất vọng khi phải trải qua cuộc đẻ đầy đau đớn mặc dù đã sử dụng phương pháp đẻ không đau.

    Nước nấu từ hoa, lá vô tình... là thuốc độc

    Trên các diễn đàn mạng gần đây có rất nhiều chia sẻ  kinh nghiệm dùng thảo dược để giảm đau đẻ như: Lấy hoa hướng dương phơi khô, nấu nước uống mỗi ngày 2 - 3 lần trước thời điểm sinh khoảng một tháng, sẽ giúp sản phụ dễ sinh, không đau đớn; hoặc những tháng cuối thai kỳ, nên nấu nước lá tía tô uống thay nước hằng ngày, khi chuyển dạ, uống liên tục khoảng 0,5 - 1 lít đậm đặc thì sẽ đẻ không đau; hoặc bà bầu nên ăn nhiều quả dứa hoặc uống nước dứa ép cũng sẽ giảm đau khi đẻ…

    Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia về y học cổ truyền, việc bà bầu “uống đại” các thứ nước từ cây, lá có đôi khi uống phải thuốc độc mà không hay biết. Ví dụ, những sản phụ khó sinh có thể dùng đài hoa hướng dương sắc uống để quá trình sinh nở diễn ra nhanh hơn, nhưng chỉ nên uống trong lúc chuyển dạ, còn nếu uống nước nấu từ thân cây hoa hướng dương có thể gây sẩy thai.

    Tía tô có tác dụng ra mồ hôi, lợi tiểu, trừ cảm lạnh, trị ho, đau bụng, nôn mửa khi có thai, có thai đau bụng ra huyết…; không có tác dụng giúp dễ đẻ, giảm đau đẻ. Chưa kể, lá tía tô có tính ấm, cơ thể thai phụ lại nóng, uống thay nước hằng ngày có thể dẫn đến tăng huyết áp với các biểu hiện mệt mỏi, choáng váng, thở nông… rất nguy hiểm.

    Thai phụ nếu ăn quá nhiều quả dứa lúc mang thai, có nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non do xuất hiện những cơn co thắt. Chưa kể, một số người có thể ngộ độc dứa với biểu hiện khó chịu, mệt mỏi, ngứa, nổi mề đay, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, khó thở, hạ huyết áp... Nếu cấp cứu không kịp, có thể dẫn tới tử vong vì thai phụ lại là đối tượng dễ ngộ độc hơn người bình thường… Vì vậy, thai phụ không nên tùy ý sử dụng cây thuốc, vị thuốc từ các loại hoa, quả, lá trong quá trình chuyển dạ, nếu không có sự tư vấn của thầy thuốc, nhất là thầy thuốc sản khoa.

    Kỹ thuật “đẻ không đau” là phương pháp gây tê ngoài màng cứng, tức là tiêm thuốc gây tê vào vùng cột sống ở thắt lưng - nơi chứa các dây thần kinh chi phối các cảm giác đau từ vùng bụng trở xuống. Nhờ tác dụng của thuốc tê, các cơn co tử cung vẫn xảy ra đều đặn và thúc đẩy cuộc chuyển dạ nhưng sản phụ sẽ không có cảm giác đau đớn. Phương pháp này có ưu điểm là giúp sản phụ tiết kiệm sức để rặn đẻ tốt hơn vì không phải trải qua những cơn chuyển dạ đau đớn. Thuốc tê có thể kéo dài để giảm đau sau đó nhiều giờ và không ảnh hưởng đến em bé vì nó không qua nhau thai.

    http://laodong.com.vn/suc-khoe/de-khong-dau-tim-den-cay-la-nhung-can-than-la-thuoc-doc-260057.bld

    Theo Ngọc Phương/Báo Lao Động

    Bạn có thể quan tâm