Ngày 6/12, sau hơn 1 ngày xét xử, đại diện VKS giữ quyền công tố đã đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM bác đơn kháng cáo của ông Đặng Thanh Bình (cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cùng 4 đồng phạm về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Đặng Thanh Bình và Lê Văn Thanh tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Lê Quân. |
VKS cho rằng bị cáo Bình với chức danh Phó thống đốc NHNN đã có bút phê trái với chỉ đạo của Thủ tướng, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu, không biết rõ năng lực tài chính của nhóm cổ đông mới. Đây chính là nguyên nhân làm đổ vỡ phương án tái cơ cấu ngân hàng, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh biến ngân hàng thành công cụ phạm tội.
Cơ quan công tố nhận định cấp sơ thẩm truy tố, xét xử bị cáo là có cơ sở, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Đối với các bị cáo Hà Tấn Phước (cựu Tổ trưởng tổ giám sát, cựu Phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An); Lê Văn Thanh (cựu Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An); Phạm Thế Tuân (cựu Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM); Ngô Văn Thanh (cựu Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An), đã thiếu trách nhiêm, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh thực hiện hành vi phạm tội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Do đó, VKS cho rằng mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo là hoàn toàn tương xứng với hành vi phạm tội, không có cơ sở giảm nhẹ hình phạt.
Trong phần xét hỏi hôm qua, bị cáo Đặng Thanh Bình cho rằng cấp sơ thẩm chưa hiểu hết nghiệp vụ của ngành ngân hàng dẫn đến việc xét xử và tuyên bản án chưa thấu đáo. Tuy nhiên, ông thừa nhận có thiếu sót về việc chưa chuẩn bị chuyên môn cho mọi người được tốt trong quá trình thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng khi thực hiện tái cơ cấu, khâu giám sát còn thiếu sót dẫn đến không ngăn chặn kịp thời hậu quả.
4 bị cáo còn lại thừa nhận hành vi phạm tội và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
VKS đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm đối với các bị cáo. Ảnh: Kỳ Hoa. |
Có mặt tại tòa, đại diện NHNN giữ nguyên quan điểm như công văn đã gửi trước khi khởi tố, đề nghị không xử lý hình sự những người có liên quan đến việc tái cơ cấu ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt.
"Ông Bình đã nỗ lực nghiên cứu vấn đề phát sinh, tuân thủ đúng pháp luật, tìm hướng chỉ đạo tái cơ cấu ngân hàng. Các thành viên tổ giám sát là những cán bộ có tinh thần trách nhiệm, kết quả tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cho thấy nỗ lực của ông Bình và tổ giám sát", đại diện NHNN trình bày và xin tòa giảm trách nhiệm cho các bị cáo.
Trước đó, tại phiên sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên phạt ông Bình 3 năm tù, Phước 2 năm tù, Lê Văn Thanh 2 năm 6 tháng tù, Phạm Thế Tuân 1 năm tù và Ngô Văn Thanh 1 năm 6 tháng tháng tù.
Tòa phúc thẩm sẽ tuyên án vào ngày 10/12.
Đặng Thanh Bình được giao phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế, có nhiệm vụ chính trong việc chỉ đạo tái cơ cấu những ngân hàng hoạt động yếu kém, trong đó có Ngân hàng Xây dựng.
Tháng 8/2012, cựu Phó thống đốc đã ký tờ trình Chính phủ phương án tái cơ cấu VNCB và được chấp nhận chủ trương. Ông Bình ký quyết định thành lập tổ giám sát đối với những hoạt động tại VNCB do mình làm tổ trưởng.
Ngân hàng Đại Tín được xếp vào 1 trong 6 ngân hàng hoạt động không hiệu quả. Thời điểm này, VNCB chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên phải có ý kiến của tổ giám sát.
Ông Bình và 4 đồng phạm được cho là đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu VNCB, để ông Phạm Công Danh điều hành VNCB và sử dụng ngân hàng như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội, rút tiền của VNCB, gây thiệt hại cho nhà băng này.
Đồ họa: Châu Châu. |