TS.BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết Việt Nam hiện chưa có huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum.
Bệnh viện đề nghị Bộ Y tế nhập khẩu sớm, đề phòng tình huống phức tạp trong thời gian tới. Đây là chế phẩm được làm từ huyết thanh ngựa, giá khoảng 8.000 USD một lọ.
Tuy nhiên, TS Hảo nhấn mạnh huyết thanh kháng độc tố botulinum chỉ đạt hiệu quả trong 3 ngày đầu. Nếu phát hiện và nhập viện chậm trễ, độc tố đã tác động xấu đến các tổ chức thần kinh của người bệnh. Khi đó, người bệnh chỉ có thể chờ tế bào thần kinh tái tạo. Thời gian này có thể kéo dài 2-3 tháng.
Bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC. |
"Người ngộ độc botulinum thường bị liệt cơ hô hấp, phải thở máy trong thời gian dài. Tuy nhiên, bệnh nhân thở máy kéo dài tại khoa hồi sức cấp cứu có thể gặp nhiều biến chứng, phổ biến nhất là lở loét vùng tỳ đè. Khi đó, chi phí điều trị sẽ cao hơn. Đây là độc tố nguy hiểm, tỷ lệ tử vong 10-20%", TS Hảo cho biết.
Trước đó, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết thuốc giải độc của loại vi khuẩn này không còn được sản xuất rộng rãi. Các bác sĩ kêu gọi sự hỗ trợ từ nhiều đơn vị. May mắn, Thái Lan có dự trữ loại thuốc giải độc này.
Bệnh viện Bạch Mai đã cấp tốc đặt mua và vận chuyển thuốc về Trung tâm Chống độc để cứu chữa kịp thời cho hai bệnh nhân bị ngộ độc.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, cho biết trường hợp ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum rất hiếm gặp. Các ca ngộ độc thực phẩm được ghi nhận từ trước đến nay xoay quanh rối loạn tiêu hóa.
Ba bệnh viện tại TP.HCM đang điều trị 9 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đang điều trị cho hai trường hợp là chị em. Hiện người em ổn định sức khỏe, cai máy thở ngắt quãng.
Bệnh nhân còn lại hiện cử động được đầu chi và mấp máy môi, mi còn sụp. Người này phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, tình trạng yếu liệt chi, không có diễn biến tích cực sau hơn một tháng điều trị.
Tại Bệnh viện Nhân dân 115, bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó giám đốc bệnh viện, cho hay nữ bệnh nhân 41 tuổi, ngụ tại Đồng Nai, còn yếu cơ, phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, người đàn ông 54 tuổi, ở Bà Rịa - Vũng Tàu, còn yếu liệt tứ chi, chưa cai được máy thở. Năm bệnh nhân trước đó đã được đơn vị này chuyển về theo dõi, điều trị tại bệnh viện địa phương.