Chiều 29/12, VKSND tỉnh Khánh Hòa đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Chiến Thắng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh) 7-8 năm tù; Lê Đức Vinh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh), Đào Công Thiên (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh) cùng mức án 6-7 năm tù.
Ông Võ Tấn Thái (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, cựu Giám đốc Sở TN&MT) bị đề nghị mức án 3-4 năm tù; Lê Văn Dẽ (cựu Giám đốc Sở Xây dựng) 4-5 năm tù; Nguyễn Ngọc Tâm (cựu Phó giám đốc Sở Tài chính) 5-6 năm tù. Nhóm bị cáo Vũ Xuân Thiềng (cựu Phó giám đốc Sở TN&MT), Nguyễn Văn Nhựt (cựu Phó giám đốc Sở KH&ĐT), Trần Quang Bửu (cựu Phó giám đốc Sở Xây dựng), Trần Sỹ Quân (cựu Cục phó Cục Thuế Khánh Hòa) cùng bị đề nghị án 3-4 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, VKS cho rằng phần diện tích đất số 1 Trần Hưng Đạo là vật chứng trong vụ án. Nhưng thực tế, Công ty CP Thanh Yến (chủ đầu tư dự án khu đất số 1 Trần Hưng Đạo) đã xây dựng xong tòa nhà công trình trên đất, đưa vào sử dụng. Toàn bộ 920 căn hộ tại số 1 Trần Hưng Đạo được doanh nghiệp bán cho bên thứ 3, sau đó nhiều căn hộ được mua đi, bán lại nhiều lần.
Đại diện Công ty Thanh Yến tại tòa sơ thẩm. Ảnh: Xuân Hoát. |
Theo VKS, để đảm bảo quyền lợi cho bên thứ 3, theo quy pháp luật và đảm bảo tính khả thi thi hành án thì cần thu hồi toàn bộ giá trị tài sản.
Kiểm sát viên nhận định sai phạm của các bị cáo trong quá trình triển khai thực hiện các dự án theo hợp đồng BT tại khu đất số 1 Trần Hưng Đạo đã gây thất thoát số tiền hơn 62,6 tỷ đồng nên cần buộc các bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên, Võ Tấn Thái, Lê Văn Dẽ, Trần Văn Thọ, Nguyễn Ngọc Tâm, Vũ Xuân Thiềng, Nguyễn Văn Nhựt, Trần Quang Bửu, Trần Sỹ Quân, Lê Huy Toàn, Nguyễn Ngọc Tuấn phải liên đới bồi thường phần thiệt hại này.
Đối với sai phạm trong việc giảm 55% giá trị bán tài sản trên đất của trường Chính trị tỉnh gây thất thoát số tiền hơn 11,6 tỷ đồng, VKS kiến nghị cần buộc các bị cáo Đào Công Thiên, Nguyễn Ngọc Tâm phải liên đới bồi thường/
Tuy nhiên, theo VKS, Công ty CP Thanh Yến là đơn vị trực tiếp được hưởng lợi từ hành vi phạm tội của các bị cáo nên cần thu hồi toàn bộ số tiền này từ chính doanh nghiệp này, cụ thể là số tiền hơn 74,2 tỷ đồng. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các bị cáo đã nộp tự nguyện khắc phục số tiền tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng. Do vậy, số tiền mà Công ty Thanh Yến phải nộp còn lại là hơn 72,9 đồng.
Theo VKS, đối với phần giá trị quyền sử dụng đất tăng tại thời điểm phát hiện hành vi phạm tội tháng 10/2020 là 446 tỷ đồng, sau khi trừ đi giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội tháng 2/2016 là hơn 184 tỷ đồng, Công ty Thanh Yến phải nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền còn lại gần 262 tỷ đồng do đây là khoản tiền hưởng lợi từ hành vị phạm tội của các bị cáo.
Khu đất vàng trường chính trị cũ này là tòa nhà Nha Trang Center 2 (Gold Coast Nha Trang). Ảnh: Xuân Hoát. |
VKS cho rằng từ hành vi phạm tội của các bị cáo, lẽ ra phải thu hồi toàn bộ khu đất số 1 Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, từ quan điểm nêu phía trên, VKS yêu cầu HĐXX buộc Công ty Thanh Yến toàn bộ số tiền gần 335 tỷ đồng (72,9 tỷ + 262 tỷ) để nộp vào ngân sách Nhà nước.
Về việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đang tạm giữ của Công ty Thanh Yến số tiền hơn 44,6 tỷ đồng và hơn 1,5 tỷ đồng do các bị cáo đã nộp để khắc phục hậu quả, đại diện VKS đề nghị cần tiếp tục tạm giữ để đảm bảo thi hành án.
VKS cũng đề nghị gỡ bỏ các lệnh kê biên phong tỏa tài khoản ngân hàng, trả lại số tiền và tài khoản tạm giữ cho các bị cáo và người không liên quan đến vụ án.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về phạt tiền, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.