Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề nghị truy tố nhóm lãnh đạo công ty gây thiệt hại 743 tỷ đồng

Cơ quan CSĐT Bộ Công an giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố với 38 bị can là lãnh đạo, nhân viên công ty chuyên về thiết bị y tế, chủ các đại lý kinh doanh có hành vi mua bán trái phép hóa đơn.

Ngày 18/11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án mua bán hóa đơn xảy ra tại Công ty TNHH Thành An, Công ty TNHH thiết bị y tế Danh, Công ty TNHH thiết bị y tế Tràng Thi và các đơn vị liên quan.

Giữ nguyên quan điểm kết luận

Tại kết luận bổ sung này, CQĐT giữ nguyên quan điểm kết luận ban hành hồi tháng 8/2024.

Trước đó, viện kiểm sát trả hồ sơ, cho rằng hành vi của một số bị can trong vụ án có dấu hiệu của tội "trốn thuế". Lý do, kết quả giám định thuế xác định Công ty Thành An, Công ty Danh, Công ty Tràng Thi sử dụng hơn 19.000 hóa đơn khống để kê khai thuế gây thiệt hại cho Nhà nước số thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 743 tỷ đồng. Việc gây thất thoát tiền thuế nêu trên xuất phát từ hành vi mua 19.167 hóa đơn khống của 110 công ty/hộ kinh doanh của bị can Nguyễn Đăng Thuyết (SN 1970, Tổng giám đốc Công ty Thành An) và đồng phạm.

Việc này khiến Nguyễn Đăng Thuyết; Nguyễn Nhật Linh (SN 1986, vợ Thuyết); Nguyễn Quý Khái (SN 1986, Giám đốc Công ty thiết bị y tế Doanh); Bùi Thị Mai Hương (Kế toán trưởng Công ty thiết bị y tế Doanh); Đỗ Thị Hoa (nguyên Kế toán trưởng Công ty Thành An Hà Nội); Nguyễn Thị Hòa (Giám sát kế toán Công ty TNHH Thành An Hà Nội) bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cùng vụ án, 32 bị can khác là nhân viên cửa hàng, chủ doanh nghiệp tư nhân, bị đề nghị truy tố về tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”.

Y te Trang Thi,  Cong ty Trang Thi,  Cong ty Thanh An,  Doanh nghiep Thanh An,  Y te Danh anh 1

Một số bị can trong vụ án.

Thiệt hại lớn cho ngân sách

Theo kết luận, ông Thuyết thành lập Công ty Thành An vào năm 2001, hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế. Đến năm 2011, bị can thành lập tiếp Công ty Danh, sau đó là Công ty Tràng Thi, cùng kinh doanh vật tư y tế đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc.

Sau khi thành lập 3 công ty trên, nhóm ông Thuyết lập lập 2 hệ thống sổ kế toán tài chính để theo dõi số liệu thực tế (thu, thực chi) và số liệu không đúng thực tế (ghi tăng chi phí đầu vào) để kê khai, báo cáo cơ quan thuế.

Cụ thể, kết luận điều tra xác định năm 2017-2022, các bị can “móc nối” nhau lập và sử dụng 2 hệ thống sổ kế toán, khai man số liệu báo cáo cơ quan thuế, ký hợp đồng mua bán hàng khống, mua hóa đơn đầu vào của các công ty/hộ kinh doanh cá thể để tăng chi phí, từ đó giảm thuế phải nộp cho Nhà nước.

Trong vụ án, ông Nguyễn Đăng Thuyết bị đánh giá phải chịu trách nhiệm chính về các sai phạm của nhóm Công ty Thành An...

Bị can Nguyễn Thị Hòa, Giám sát kế toán 3 công ty, có nhiệm vụ lập kế hoạch dự tính số tiền thuế phải nộp trong năm và đây là số liệu không có thật, được ghi tăng chi phí đầu vào từ việc mua hóa đơn khống để giảm thuế phải nộp.

Còn Bùi Thị Mai Hương và Nguyễn Thị Hòa được Thuyết giao quản lý chữ ký số (TOKEN) để làm báo cáo thuế, xuất hóa đơn điện tử. Sau khi lập các báo cáo thuế, báo cáo tài chính trình, nhóm lãnh đạo doanh nghiệp sẽ duyệt và cấp dưới tự dùng chữ ký số để gửi cơ quan thuế.

Để hợp thức, các bị can tiến hành mua hóa đơn khống của các công ty/hộ kinh doanh cá thể từ 32 đầu mối rồi cùng hưởng lợi.

Cụ thể, đường dây này mua 19.167 hóa đơn khống (mặt hàng là danh mục vật tư y tế) của 110 công ty/hộ kinh doanh. Việc hạch toán đối với 19.167 hóa đơn khống (không có hàng hóa) mua của 110 công ty/hộ kinh doanh được các bị can cập nhật vào phần mềm kế toán thuế (hệ thống sổ kế toán thuế) nhằm tăng chi phí, giảm thuế phải nộp; còn phần chi phí mua hóa đơn khống và các phần thực thu, thực chi khác được Đỗ Thị Hoa theo dõi trên phần mềm số kế toán nội bộ.

Kết quả, giám định viên kết luận hành vi sử dụng 19.167 số hóa đơn khống gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tổng số tiền 743 tỷ đồng (là tiền thuế 3 công ty phải nộp cho Nhà nước từ năm 2017 đến năm 2022). Thiệt hại này là yếu tố bắt buộc của tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Như vậy, hành vi của Nguyễn Đăng Thuyết và các bị can có liên quan cấu thành tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, đã được khởi tố, kết luận điều tra. Do đó, phía điều tra không xem xét xử lý tội "Trốn thuế" như quan điểm của Viện kiểm sát.

Trong thời hạn điều tra cũng như điều tra bổ sung, các bị can đã nộp một phần tiền khắc phục hậu quả.

Trong số 33 bị can bị đề nghị truy tố, có Nguyễn Đăng Thuyết đang bỏ trốn, Cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã.

Sách về Pháp luật

Nội dung cuốn sách "Thực hiện pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam" đi sâu nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật về an ninh mạng dưới góc độ của ngành lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; đánh giá thực trạng pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới.

https://tienphong.vn/de-nghi-truy-to-nhom-lanh-dao-cong-ty-thiet-bi-y-te-mua-ban-hoa-don-gay-thiet-hai-743-ty-dong-post1692537.tpo

Hoàng An/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm