Năm 2023, UOB Painting of the Year lần đầu xuất hiện tại Việt Nam và thổi làn gió mới vào nền mỹ thuật đương đại. Không chỉ thúc đẩy cộng đồng yêu hội họa hoạt động sôi nổi hơn, cuộc thi còn mang đến cơ hội để các nghệ sĩ cất lên tiếng nói nghệ thuật của riêng mình và lan tỏa điều đó tới công chúng trên toàn khu vực.
Trong lần trở lại, UOB Painting of the Year tiếp tục thể hiện vai trò đồng hành các họa sĩ Việt thông qua việc tổ chức nhiều triển lãm, workshop, talkshow... trên cả nước. Tại buổi tọa đàm “Kỹ năng cho nghệ sĩ ra khơi” tổ chức ngày 7/6 vừa qua ở Hà Nội, các diễn giả là những giám khảo, giám tuyển, cố vấn nghệ thuật uy tín đã chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm làm hành trang cho họa sĩ trước khi vươn ra biển lớn.
Những cơ hội rộng mở
“Điều kiện sáng tác ở thời chúng tôi còn nhiều khó khăn. Họa sĩ đôi khi chỉ vẽ bằng cây bút chì, bút bi hoặc mẩu than. Chưa bao giờ là dễ để bắt đầu. Song, xã hội hiện tại đã phát triển với điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn rất nhiều. Đó là chưa kể đến sự đồng hành và tài trợ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp”, họa sĩ Đặng Xuân Hòa - Trưởng ban giám khảo UOB Painting of the Year 2024 - mở đầu buổi tọa đàm.
Talkshow “Kỹ năng cho nghệ sĩ ra khơi” thu hút sự chú ý của cộng đồng yêu hội họa. |
Bên cạnh yếu tố cơ sở vật chất để hỗ trợ về chuyên môn, họa sĩ Việt còn nhận được trợ lực lớn ở khía cạnh truyền thông, quản lý, kết nối từ các tổ chức như Hanoi Grapevine - nền tảng trực tuyến về văn hóa và nghệ thuật. Thông qua các workshop, khóa học và những buổi chia sẻ kinh nghiệm, họa sĩ được bổ túc kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ hay luật bản quyền. Song song đó là việc kết nối giữa khối công và tư nhân, tạo nên một hệ sinh thái nghệ thuật khỏe mạnh, từ đó mở ra nhiều cơ hội hơn.
Họa sĩ Việt có nhiều “trợ lực” để vươn ra thế giới. |
Chị Trương Uyên Ly, giám đốc Hanoi Grapevine chia sẻ: “Trước đây, khán giả truy cập nền tảng chủ yếu là người nước ngoài. Hiện nay, cộng đồng đa số là người Việt ở lứa tuổi 18-50. Số lượng truy cập tăng dần cho thấy sự quan tâm nhất định của khán giả với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Việt Nam”.
Bổ sung cho ý kiến trên, giám tuyển Ace Lê - Giám đốc Sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Lân Tinh Foundation - nhận định cánh cửa bước ra khu vực của họa sĩ Việt đang rộng mở khi nội dung, đề tài sáng tác có nhiều điểm chung với đồng nghiệp trong khu vực. Điều này giúp các nhà sưu tập dễ dàng “cảm” được tác phẩm của họa sĩ Việt. Khía cạnh thẩm mỹ cũng có sự tương đồng nhất định với nhóm quốc gia có ngôn ngữ dựa trên Hán tự như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... nên số lượng tác phẩm Đông Dương và đương đại tại Việt Nam được nhà sưu tập quốc tế đón nhận ngày càng nhiều.
Anh cho biết thêm: “Những năm 1990, 90% nhà sưu tập là khách quốc tế, chỉ 10% là người Việt. Hiện nay, tỷ lệ này đã đảo ngược với 70% nhà sưu tập nội địa. Họa sĩ Việt có lợi thế khi đối thoại được với các nhà sưu tập trong nước”.
Hành trang vươn tầm khu vực
Theo họa sĩ Đặng Xuân Hòa và họa sĩ Trịnh Tuân - người sáng lập cộng đồng Asia Art Link, kiến thức nền cùng ngoại ngữ là 2 yếu tố quan trọng hàng đầu trong hành trang “ra khơi” của họa sĩ Việt.
Họa sĩ Đặng Xuân Hòa nhận định trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc trau dồi kiến thức mỹ thuật đại cương và quan niệm về đời sống xã hội giúp họa sĩ không lạc lõng ở Việt Nam, không chênh vênh khi ra quốc tế. Hội họa không dành riêng cho sinh viên mỹ thuật, nhưng họa sĩ phải có kiến thức căn bản, học tập nghiêm túc và theo đuổi phong cách đã lựa chọn đến nơi, đến chốn.
Họa sĩ Đặng Xuân Hòa nhấn mạnh kiến thức nền tảng về hội họa là hành trang phải có đầu tiên. |
“Để theo đuổi mỹ thuật, chúng ta cần biết chấp nhận và đôi khi phải trả giá. Điều quan trọng là phải hiểu chính mình. Để hiểu chính mình, chúng ta cần biết quan sát sự thay đổi của xã hội, so sánh cái cũ và cái mới để từ đó đúc rút. Đừng vội nghĩ tới tiền tài và danh vọng. Hãy tự ‘hành xác’ một chút để cảm nhận. Trong những giai đoạn khó khăn, bản thân phải tự ‘đốt đuốc’ mà đi và chỉ có tình yêu với nghệ thuật mới giúp chúng ta làm được điều đó”, ông chia sẻ.
Giám tuyển Ace Lê khẳng định họa sĩ Việt cần có “con thuyền” làm bằng gỗ tốt để “ra khơi”. |
Đồng quan điểm, giám tuyển Ace Lê khẳng định: “Để ra khơi, họa sĩ Việt cần con thuyền làm bằng gỗ tốt với cánh buồm ổn định. Chúng ta phải chuyên tâm vào kỹ năng trước, những giá trị theo sau sẽ đóng vai trò bổ trợ”.
Tiếp nối, trong vai trò “anh cả” có nhiều năm kết nối văn hóa Đông - Tây, họa sĩ Trịnh Tuân chia sẻ câu chuyện cá nhân để nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại ngữ. Thời điểm làm giảng viên ở Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, hàng ngày, ông vẫn trả 5 USD/giờ cho người nước ngoài chỉ để nói chuyện với mong muốn trau dồi vốn tiếng Anh. Đây cũng là nền tảng để họa sĩ Trịnh Tuân thực hiện tốt vai trò kết nối họa sĩ ở khắp nơi trên thế giới với Việt Nam.
“Vốn tiếng Anh giúp tôi tự tin hơn về khả năng giới thiệu cái mình làm và cần. Khi đứng lớp, tôi vẫn dặn sinh viên rằng ngoại ngữ là chìa khóa để mở ra các cánh cửa. Chúng ta có giỏi đến đâu mà không có ngoại ngữ thì cũng chẳng bước ra ngoài được”, giám khảo UOB Painting of the Year 2024 nói.
Họa sĩ Trịnh Tuân xem ngoại ngữ là chìa khóa để mở ra nhiều cánh cửa cơ hội. |
Để ra khơi, nghệ sĩ Việt cần trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và có một vốn ngoại ngữ tốt. Tuy nhiên, những cầu nối, cánh cửa mở lối cho các tài năng trong nước bước ra khu vực cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Có thể nói, sự xuất hiện của các cuộc thi tầm cỡ khu vực như UOB Painting of the Year đã mang đến họa sĩ Việt cơ hội lý tưởng để bước ra khỏi vùng an toàn, giao lưu, học hỏi với các tác giả nói riêng và nền mỹ thuật Đông Nam Á nói chung.
Bên cạnh giải thưởng, cơ hội tham gia vào các triển lãm, hội chợ nghệ thuật tại những thị trường lớn trong hệ sinh thái của cuộc thi cũng là hành trang quý giá, giúp nghệ sĩ Việt ghi dấu ấn và tên tuổi với cộng đồng rộng lớn hơn.
Với thời hạn nộp tác phẩm đến 1/8, cuộc thi UOB Painting of the Year năm thứ 2 tại Việt Nam đang mở rộng cơ hội cho các họa sĩ thể hiện tài năng và ghi danh tên tuổi ở cả trong nước lẫn khu vực. Độc giả tìm hiểu thêm về cuộc thi và cách thức tham gia tại UOBandArt.com.