Một tờ báo địa phương tại thành phố Nam Kinh cho hay, câu hỏi này được đưa ra trong đề thi Tư pháp quốc gia nhằm đánh giá liệu thí sinh có đủ điều kiện để hành nghề luật ở Trung Quốc hay không.
Nội dung của câu hỏi là: Nếu một người có khả năng cứu mẹ nhưng lại cứu bạn gái, anh ta có phạm tội không hành động không?
Đây là câu hỏi thông dụng trong giới trẻ Trung Quốc. Các cô gái thường thích đánh đố bạn trai bằng câu hỏi mang tính giả thuyết: "Nếu em và mẹ anh cùng rơi xuống nước, anh sẽ cứu ai trước?''.
Mặc dù người ra đề đã thay nguy cơ chết đuối bằng vụ hỏa hoạn, câu hỏi vẫn đẩy thí sinh vào tình thế tiến thoái lưỡng nan như khi các anh chàng phải đối mặt sự chất vấn của bạn gái.
Ngày 24/9, Bộ Tư pháp công bố câu trả lời. Theo đó, anh ta sẽ phạm tội không hành động nếu cứu bạn gái mà không cứu mẹ. Luật pháp Trung Quốc quy định, một người con có nghĩa vụ cứu mẹ chứ không phải bạn gái.
Câu hỏi dấy lên cuộc tranh luận gay gắt trên các phương tiện truyền thông xã hội. Một số cư dân mạng đồng ý với câu trả lời do Bộ Tư pháp đưa ra vì việc bỏ mặc mẹ trong nguy hiểm quá tàn nhẫn.
''Tôi chắc chắn sẽ cứu mẹ trước. Ngoài lý do pháp lý, mẹ là người nuôi dạy tôi. Hơn nữa, bạn gái còn trẻ, cô ấy có nhiều cơ hội tự thoát khỏi đám cháy hơn'', một người nêu quan điểm trên mạng.
Tuy nhiên, nhiều người không đồng ý với đáp án. Họ cho rằng, điều luật này không công bằng.
''Tính mạng con người đều như nhau. Họ cần được đối xử bình đẳng trước pháp luật. Tôi không hiểu sao bỏ mặc mẹ thì thành tội phạm trong khi bỏ rơi bạn gái thì không''.
Một số người loại bỏ yếu tố lựa chọn trong câu hỏi, cho rằng, trong trường hợp đó, người đàn ông nên dập đám cháy trước, theo Global Times.