Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề thi lớp 11 về 'Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi'

Đọc đề văn dựa trên chi tiết của tiểu thuyết "Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi", nhiều người không khỏi xúc động, nhớ về một thời tuổi trẻ.

Trong đề thi môn Ngữ Văn học kỳ 2 lớp 11 trường THPT Thanh Hà (Hải Dương) vừa qua, câu 1 chiếm 3 điểm như sau:

"Tác giả Cửu Bá Đao trong tiểu thuyết Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi đã cho rằng Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào. Cho dù bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đằm mình trong cơn mưa ấy một lần nữa".

Từ ý nghĩa của câu nói trên, hãy viết bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ của em về ý nghĩa và giá trị của tuổi trẻ trong cuộc đời của mỗi con người".

Lê Đăng Tùng (học sinh THPT Thanh Hà) chia sẻ, người ra đề bài này là cô Tăng Thị Xuân, chủ nhiệm bộ môn Ngữ Văn của trường. Chia sẻ với Zing.vn, cô Tăng Thị Xuân xác nhận mình là người ra đề thi này.

"Cô Xuân là giáo viên dạy văn giỏi. Cô thường xuyên đưa các sự kiện, bộ phim hoặc sách vào đề kiểm tra nghị luận xã hội. Điều này khiến môn Ngữ văn trở nên gần gũi hơn, học sinh hào hứng, có nhiều tư liệu viết hơn, đồng thời giúp chúng mình chịu khó theo dõi các sự kiện, cũng như đọc sách và xem phim hơn", Trần Minh Trang (lớp 11, THPT Thanh Hà) cho biết.

Đề văn này đã được đăng tải lên nhiều diễn đàn dành cho giới trẻ. Chỉ sau vài tiếng, đề thi đã nhận được 5.000 lượt thích, gần 2.000 chia sẻ. Các bình luận đều đồng ý, đây là đề văn đầy xúc cảm, gần gũi với lứa tuổi học trò.

De thi ve tuoi tre anh 1

Tiểu thuyết "Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi" trong đề thi Ngữ văn. 

Thành viên Hạnh Lê viết: "Đề thi phù hợp mùa chia tay tuổi học trò này. Nhớ thời đi học, cô giáo dặn: Văn là đời, dù viết thế nào cũng không được tách văn ra khỏi cái dung dị của thực tế".

Còn Nguyễn Duyên lại sợ mình sẽ khóc khi viết bài văn này. "Những ai từng trải qua tuổi học trò, làm đề bài này sẽ nhiều cảm xúc lắm. Chắc chắn mỗi bạn sẽ có những dẫn chứng và suy nghĩ rất riêng".

Phù Vân, một fan của tiểu thuyết "Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi" viết: "Đây là tác phẩm hay, đã được chuyển thể từ truyện thành phim. Cuốn sách nói về thời học sinh của một nhóm bạn, rất gần với những năm tháng học sinh của mỗi người".

Đối với Thảo Sandy, cô bạn lại muốn quay trở lại thời học sinh sau khi đọc đề văn này. "Nhớ thời cấp 3 với đám bạn thân thiết, thầy chủ nhiệm hồi đó yêu thương cả lớp như con, cả lũ cứ chiều chiều đi theo thầy về nhà ăn cơm. Rồi có hôm ăn 4 điểm môn Lý, vừa chạy về nhà vừa khóc như mưa, làm ba mẹ tưởng ngã xe hay bị bắt nạt. Nhớ cả những buổi họp phụ huynh, cả lớp thập thò ngoài cửa nghe lỏm xem thầy cô nhận xét gì về mình. Chắc kể mãi không hết về tuổi thanh xuân đã qua".

Cô Nguyễn Thị Hương (chủ nhiệm bộ môn Văn học, THPT Chuyên Hạ Long) nhận định, đây là đề văn thú vị, gần gũi với học trò.

Theo cô Hương, bài làm của học sinh nên hướng về tuổi trẻ - quãng thời gian ngắn trong cuộc đời mỗi con người nhưng có nhiều ước mơ, hoài bão, mộng mơ.

"Tuổi trẻ so sánh với cơn mưa rào hàm ý nói đến sự trong trẻo, mát lành. Nhân vật trong phim muốn được trải nghiệm cơn mưa một lần nữa vì đó là thời gian để lại những kỷ niệm, ký ức không thể nào quên.

Với đề thi này, học sinh nên chia bài làm thành 2 phần. Phần đầu tiên, nhấn mạnh vào thời tuổi trẻ sôi nổi, khó quên của câu: Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào, sau đó đi vào phân tích ý: muốn được đằm mình trong cơn mưa ấy một lần nữa".

Cô giáo nhận định, đề thi văn nghị luận xã hội thời gian tới đây sẽ tập trung những chủ đề quen thuộc, liên quan xã hội, nói về các sự kiện của đất nước. 

Bài văn 9 điểm về Trần Lập và câu hỏi 'sống sao cho đáng'

"Vì tình yêu, Trần Lập đã viết nên những bài hát cổ vũ bao thế hệ. Vì tình yêu, rất nhiều người đang cố gắng hàng ngày, để những người thương yêu được hạnh phúc", Như Mai viết.



Ngân Giang

Bạn có thể quan tâm