Nhận xét về cấu trúc đề thi thử nghiệm môn Ngữ Văn (lần 2) mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, cô Nguyễn Thanh Hương (Trung tâm Học Mãi) cho hay: “Đề thi thử nghiệm mà Bộ GD&ĐT vừa công bố một lần nữa củng cố cấu trúc đề thi và các dạng bài thi cho môn Anh văn của kì thi THPT quốc gia 2017.
Môn Anh văn sẽ là bài thi trắc nghiệm gồm 50 câu hỏi trong thời gian thi là 60 phút. Thí sinh sẽ phải trải qua các dạng bài: Ngữ âm gồm phát âm và trọng âm (4 câu), tìm lỗi sai (3 câu), điền từ vào câu văn (12 câu), câu giao tiếp (2 câu), đồng nghĩa- trái nghĩa (4 câu), tìm câu đồng nghĩa (3 câu), nối câu (2 câu), điền từ vào đoạn văn (5 câu) và đọc hiểu (2 bài, 15 câu)".
Cô Nguyễn Thanh Hương. |
Cô Nguyễn Thanh Hương cho biết thêm: "Nhìn chung đề thi thử nghiệm lần này cùng với đề thi minh họa tháng 10 mà Bộ GD&ĐT đã công bố không làm khó thí sinh khi các câu hỏi đưa ra khá vừa sức.
Ta có thể thấy dạng bài ngữ âm khá 'kiểu mẫu' với các câu hỏi liên quan đến cách phát âm 's' và 'ed' cũng đã xuất hiện trong đề thi minh họa.
Trọng âm vẫn tuân thủ theo phân chia 1 câu tìm trọng âm của các từ 2 âm tiết và 1 câu tìm trọng âm của các từ có 3 âm tiết trở lên. Các câu hỏi này không mới nhưng lồng ghép vào những kiến thức cơ bản thí sinh vẫn cần phải biết thêm các tình huống bất quy tắc để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất.
Dạng bài sửa lỗi sai và những câu thuộc phần ngữ pháp ở bài hoàn thành câu văn quét qua các chuyên đề quan trọng mà các em học sinh đã được học như: sự hài hòa giữa chủ ngữ và động từ, các thì trong tiếng Anh, câu bị động, câu so sánh, cấu trúc song hành, câu mệnh đề quan hệ, câu gián tiếp, bị động, mạo từ… trong khi dạng bài tìm câu đồng nghĩa và nối câu triệt để khai thác các chuyên đề về câu điều kiện, động từ khuyết thiếu, câu mục đích, liên từ.
Điểm mới của kì thi năm nay là triệt để sử dụng các từ vựng và các tình huống trong sách giáo khoa lớp 12, các câu có trực tiếp liên quan đến SGK rơi tầm 2 cho đến 3 câu.
Vì thế việc học kĩ và đọc kĩ các bài đọc trong sách sẽ là một điều quan trọng chuẩn bị cho kì thi lần này. 2 câu hỏi về phrasal Verb không quá đánh đố như trước đây mà ngược lại khá phổ biến và học sinh chăm chỉ với học lực khá là có thể xử lý được.
Dạng bài câu giao tiếp vẫn rơi vào các tình huống quen thuộc trong cuộc sống: Xin lỗi và tán đồng ý kiến sẽ không làm khó thí sinh nhiều.
Đồng nghĩa, trái nghĩa các câu đều tuân thủ nguyên tắc là các từ được tìm nghĩa có thể được suy ra nhờ vào các phần thông tin đứng trước và sau câu từ đó khiến các em thí sinh yên tâm làm bài hơn chứ không phải kiểu đánh đố “từ khó trên trời”.
Điền từ đoạn văn về chủ đề giáo dục (việc làm bài tập về nhà và nộp bài của học sinh ngày nay dưới thời Internet) khá bắt kịp xu hướng của thời đại khiến thí sinh đọc không nhàm chán.
Hai bài đọc hiểu về động vật (cá voi) và giáo dục (một mô hình học chủ động, sáng tạo mới) đều là những chủ đề không nhàm và khá thân thiện dễ đọc với thí sinh.
Các dạng câu hỏi hay gặp như tìm ý chính, chủ đề, các câu hỏi lấy thông tin trong bài, câu hỏi suy luận, câu hỏi từ vựng, câu hỏi tìm đại từ, câu hỏi chứa ý phủ định, câu hỏi đúng sai… là trọng tâm trong 2 bài đọc này.
Như vậy, có thể thấy đề thi thử nghiệm là một đề vừa sức và khá nhẹ nhàng với thí sinh, tuy nhiên đề cũng có những câu phân loại thí sinh khá tốt nằm ở các dạng bài điền từ vào đoạn văn, đọc hiểu, phrasal Verb và tìm đồng nghĩa trái nghĩa.
Đạt điểm cao đòi hỏi thí sinh có kiến thức chắc chắn, không mắc những sai lầm ngớ ngẩn do đọc nhanh, làm ẩu, tô nhầm đáp án… thời gian có hạn cũng là một yếu tố cần tính toán kỹ mà thí sinh cũng phải quan tâm. Những em học sinh đạt điểm tốt hãy nhớ đừng chủ quan, tự đại vì kì thi thật hoàn toàn có thể nâng mức đề lên khó hơn nữa.
Những em học sinh làm bài thi chưa như ý muốn hãy tập trung, bình tĩnh, xem xét kĩ các phần, các dạng bài còn yếu, thời gian còn lại cho đến kì thi là đủ để các em ôn tập và thực hiện mong muốn của mình”.