Theo các thí sinh ở điểm thi trường Hà Nội – Amsterdam, đề thi tiếng Anh gồm các phần chính: Ngữ pháp – ngữ âm – từ vựng (trắc nghiệm), đọc – hiểu và viết câu đúng nghĩa. Đề bài có khoảng 100 câu với nhiều phần tự luận. Kiến thức của đề chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, có môt số câu ngoài lề, tương đối mới mẻ.
Phần lớn các thí sinh nhận định, đề thi tiếng Anh năm nay vừa sức, không có nhiều câu đánh đố, nhiều em chỉ làm trong 30 - 60 phút.
Thí sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội. Ảnh: Lê Hiếu. |
Hoàng Thái Anh, học sinh trường Alfred Nobel, chia sẻ, phần kiến thức đọc - hiểu tạo cảm hứng nhất. Đề bài nói về việc du học có thể gặp một số vấn đề khác biệt về văn hóa của người bản địa. Đây là vấn đề được các bạn trẻ khá quan tâm.
Bùi Đức Hoàng (THCS Gia Thụy) cho biết, đề tiếng Anh năm nay có phần khác mọi năm, với hai phần bằng điểm nhau (mọi năm phần viết 2 điểm, đọc 1 điểm). Phần điền từ vào chỗ trống nói về kỷ niệm của một chuyến du lịch cùng những người bạn tốt. Mặc dù chuyến đi không thuận lợi nhưng chúng ta lại có thêm những người bạn mới.
"Một vấn đề khác cũng được nêu trong đề bài là những người dân thôn quê muốn lên thành phố sống. Họ không quen với thành thị. Vậy có nên chấp nhận cuộc sống nông thôn hay không?", Hoàng dẫn lại đề thi.
Nguyễn Trang (trường Lê Quý Đôn) nhận định, lo nhất phần đọc hiểu, dù số lượng từ vựng không nhiều. Trang cho rằng, với đề thi này, học sinh có thể dễ dàng đạt 7-8 điểm.
Còn Đỗ Minh Đức (trường THCS Đoàn Thị Điểm) nói, đề thi môn tiếng Anh khá sát chương trình sách giáo khoa: "Mặc dù đề thi kéo dài 120 phút, nhưng em chỉ làm khoảng 30 phút. Trong các nội dung của môn tiếng Anh, phần đọc hiểu khó nhất".
Đây là môn thi điều kiện cuối cùng của kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội. Từ chiều nay, học sinh thi vào trường Hà Nội - Amsterdam làm bài các môn thi chuyên.
Thầy Nguyễn Sỹ Chiến - Tổ trưởng tổ chuyên môn Tiếng Anh - THPT Mỹ Đức A (Hà Nội) có những chia sẻ về cách làm bài thi môn Tiếng Anh cho học sinh vào lớp 10.
Phần chiếm lớn nhất trong bài kiểm tra là ngữ pháp và từ vựng. Học sinh cần nắm chắc cách sử dụng từ và cụm từ, cấu trúc thì và dạng động từ cơ bản.
Quan trọng nhất, học sinh phải nhận thức rõ tám phần của bài, năm thành tố câu và ba loại câu trong mọi câu nói Tiếng Anh.
Phần bài tập ngữ âm thường có hai loại chính. Thứ nhất, bài tập về trọng âm. Thứ hai, tìm từ gạch chân có phát âm khác. Để làm tốt các dạng bài tập này, bạn cần nhanh nhạy để nhận ra sự giống và khác nhau giữa các từ.
Phần đọc hiểu yêu cầu phải hiểu rõ các câu, các đoạn cũng như nội dung xuyển suốt cả bài để trả lời các câu hỏi. Đôi khi học sinh còn cần dựa vào ngữ cảnh để đoán nghĩa của các từ và cụm từ mới.
Phần viết đòi hỏi nhiều kỹ năng nhất. Thí sinh cần phải xây dựng được câu đơn, rồi câu phức và liên kết các câu lại với nhau. Hãy đảm bảo rằng với mỗi câu thí sinh viết ra, có thể diễn đạt lại theo ít nhất một cách khác bởi vì bạn có thể sẽ cần phải viết lại câu đó với cùng ý nghĩa.