TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), đánh giá đề Toán năm nay rất dễ. Thí sinh học lực khá hoàn toàn có thể nắm điểm 8 trong tay.
“Đề có 10 câu cuối là câu khó để phân loại thí sinh nhưng đến một nửa trong số đó có cách hỏi rất dở, nặng tính kỹ thuật mà không có ý nghĩa Toán học, chưa nói đến tính thực tế”, TS Dũng nhận xét.
Nói thêm về đề thi này, hiệu phó trường Năng khiếu cho rằng đề khó phân loại được thí sinh top đầu, dễ nhưng sẽ không có nhiều điểm 10.
Tương tự, thầy Huỳnh Tấn châu, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) đánh giá đề Toán năm nay nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với năm 2019, phù hợp với tình hình học tập trong dịch Covid-19.
Đề bám rất sát vào đề minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố cả về kiến thức, nội dung, mức độ khó dễ.
90% kiến thức trong đề nằm ở chương trình lớp 12. Thầy Châu cho hay 35 câu đầu tiên của đề có mức độ cơ bản, chủ yếu kiểm tra sự thông hiểu của học sinh. 15 câu còn lại kiểm tra mức độ vận dụng, trong đó có 7 câu yêu cầu vận dụng cao. Những câu này mục đích là để phân hóa thí sinh, giúp các trường đại học xét tuyển.
“Với đề này tôi nghĩ phổ điểm sẽ tập trung ở điểm 7, điểm 8, 9 cũng sẽ xuất hiện nhiều. Điểm 10 sẽ có những không nhiều. Nhưng các trường đại học top trên sẽ khó sàng lọc thí sinh do đa phần học sinh giỏi sẽ đạt điểm 9 hoặc 9,5 với đề này”, Hiệu trưởng trường chuyên Lương Văn Chánh nhận định.
Thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, giáo viên trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) cũng đánh giá đề thi khá vừa sức với thí sinh. Bởi đề vừa xét tốt nghiệp, vừa dùng để xét tuyển đại học, bên cạnh đó còn phải phù hợp với tình hình học tập trong mùa dịch bệnh.
“Theo tôi, điểm tập trung của thí sinh là 6 đến 8. Điểm 9, 10 sẽ cao hơn so với năm ngoái”, thầy Thịnh nói thêm.