Sáng 3/6, gần 90.000 thí sinh ở TP.HCM hoàn thành bài thi môn Toán tuyển sinh vào lớp 10. Rời phòng thi sau 120 phút làm bài, nhiều thí sinh thở phào nhẹ nhõm vì đề thi căn bản, vừa sức.
Theo TS Trần Nam Dũng, giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đề thi Toán năm nay tốt, có nhiều đổi mới. Zing.vn xin giới thiệu bài viết của ông.
Cảm nhận đầu tiên là đề thi rất mới so với đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của các tỉnh và thành phố, thậm chí ngay cả với đề thi của TP.HCM năm học trước. Những đổi mới này có chiều hướng tích cực.
Thứ nhất, đề thi không quá hàn lâm, kinh viện, sa đà vào các bài toán thuần túy kỹ thuật. Độ khó cũng vừa phải. Trong 8 câu hỏi, chỉ có 3 câu 1, 2, 8 theo dạng đề cũ, mức độ yêu cầu cũng hết sức cơ bản.
Thứ hai, đề thi có các mô hình toán học, nhiều nhất là hàm số để mô tả sự thay đổi hay mô hình phương trình mô tả mối quan hệ giữa các đại lượng. Đây là ý quan trọng vì một trong những kỹ năng của học sinh là hiểu và áp dụng được mô hình toán học.
Thứ ba, đề có các bài toán và tình huống thực tiễn, từ đó giúp học sinh hiểu được những ứng dụng (mức độ cơ bản) của toán học. Các kiến thức bổ sung (ví dụ công thức chuyển đổi độ C sang độ F, nhiệt độ sôi phụ thuộc độ cao, kích thước kim tự tháp Kheops…) rất bổ ích cho học sinh. Nó cũng khiến các đề toán thú vị, hấp dẫn và bớt khô khan.
Nếu đi sâu vào nội dung các câu hỏi, phần lý thuyết đa số liên quan kiến thức toán lớp 9 (hàm số bậc 2, định lý Viét, tứ giác nội tiếp, hệ thức lượng trong tam giác).
TS Trần Nam Dũng có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy chuyên Toán. Ông là huấn luyện viên trưởng đội tuyển Toán trường Phổ thông Năng khiếu (1997-2003).
Ông đoạt huy chương bạc Toán quốc tế năm 1983 tại Paris, Pháp và được nhiều bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Trung ương Đoàn, Bộ trưởng GD&ĐT, Chủ tịch UBND TP.HCM, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, Hiệu trưởng ĐH Tổng hợp Quốc gia Matxcova (Nga), Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM.
Mô hình hàm số được khai thác ở các bài 3, 5, 6, nhưng ở mức độ và góc độ khác nhau. Thách thức nhất vẫn là bài 5 (dù trong thực tế các bà nội trợ sẽ giải quyết bài toán này rất nhanh).
Bài 4 về hình không gian không gây khó khăn vì mọi thứ đã được cung cấp (hình vẽ minh họa, công thức tính thể tích). Bài 7 tính ngược, sẽ gây khó một chút cho học sinh.
Có thể nói, đề thi của TP.HCM, ngoài một số câu căn bản như 1, 2, 8, các câu còn lại có hơi hướng của đề thi SAT, nhưng để dưới dạng tự luận. Cách thức cung cấp hình vẽ minh họa, công thức, mô hình cũng giúp học sinh không phải nhớ mà chỉ cần khai thác, phân tích đề bài để làm. Đó là cách làm rất hay, chủ yếu tập trung khả năng xử lý vấn đề của học sinh, chứ không phải ghi nhớ.
Tất nhiên, một số vấn đề cần trao đổi thêm, ví dụ tính chuẩn hóa của đề thi, hay sự thiếu vắng của một số chủ đề (ví dụ căn thức, thống kê, bất phương trình bậc nhất…). Đó là điều mà ban đề thi cần chú ý, chuẩn hóa, tạo ma trận đề để làm đều tay hơn và học sinh cũng dễ dàng hơn trong ôn tập.
Tóm lại, dù có những điểm mạnh, điểm yếu, đề thi năm nay của Sở GD&ĐT TP.HCM tốt, sẽ giúp thay đổi cách dạy và học hàn lâm, kinh viện và nhàm chán hiện nay. Nó giúp giáo viên và học sinh thích toán hơn, hiểu toán hơn và học hành cũng nhẹ nhàng hơn.
Thầy Võ Tiến Trình, giáo viên dạy Toán, trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đánh giá cao tính vận dụng thực tế trong đề thi môn Toán.
"Đề không khó về mặt tính toán nhưng đòi hỏi học sinh phải có khả năng đọc hiểu và phân tích. Phần hình học nhẹ nhàng, học sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản là làm được", thầy Trình nói.
Các bài toán vận dụng thực tế cũng được thầy Trình đánh giá cao.
Thí sinh Thùy Linh (THCS Thanh Đa) chia sẻ: "Đề thi có nhiều câu dài nên mất thời gian đọc nhưng đọc kỹ thấy không quá khó. Câu kim tự tháp hay".