Để trở thành sếp giỏi
Một vị sếp tuyệt vời là người hiểu rõ tầm quan trọng của việc tạo dựng và phát triển các mối quan hệ nghề nghiệp.
(Ảnh minh họa: Getty Images) |
Để trở thành vị sếp lý tưởng trong mắt nhân viên, bạn có thể tham khảo các bước bên dưới:
Bước 1: Hiểu nhân viên dưới quyền
Nắm rõ ưu lẫn nhược điểm ở từng người để tận dụng tốt tài năng của họ, và đề nghị họ nộp bản miêu tả khái quát tính cách. Những điều này sẽ giúp họ biết thế mạnh của mình đồng thời giúp bạn dễ phân chia công việc. Dùng đúng người đúng việc có thể làm tăng hiệu quả và năng suất hơn rất nhiều.
Bước 2: Tiếp nhận ý kiến từ nhân viên
Hãy tổ chức các buổi “brainstorming” (vận dụng trí tuệ tập thể để giải quyết một vấn đề phức tạp) và lắng nghe những mối bận tâm, lời than phiền lẫn đề xuất của họ. Lắng nghe không có nghĩa bạn buộc phải làm theo bất cứ điều gì, mà nó cho thấy bạn sẵn lòng tiếp thu. Bạn sẽ nhận thấy ai cũng có thể đưa ra một ý tưởng “xuất thần” nào đó, vậy hãy cho họ thời gian và không gian thích hợp để trở thành “báu vật” đối với bạn.
Bước 3: Cố vấn chứ đừng điều khiển
Những vị sếp tuyệt vời không nhất thiết phải điều khiển nhân viên mà có thể đóng vai trò cố vấn. Cấp dưới sẽ phản ứng tích cực khi cảm thấy bạn thật sự quan tâm đến họ, hơn là tỏ rõ quyền chỉ huy. Bạn muốn họ trưởng thành, cải thiện bản thân nhằm phát triển các kỹ năng tốt hơn và tự tin hơn vì như thế, họ sẽ trở thành nhân viên giỏi. Khi “mở đường soi lối” cho những người ưu tú nhất, nên chia sẻ các kỹ năng cố vấn để họ vận dụng chúng với cấp dưới của mình.
Bước 4: Cho đi và nhận lại sự tôn trọng
Nếu ai đó làm gì sai, nên nói chuyện riêng với họ một cách hợp tình hợp lý. Đừng bao giờ khiến nhân viên ngượng ngùng hay xấu hổ bằng cách “chỉnh” họ trước mặt người khác. Thậm chí khi chỉ có hai người đối mặt nhau, bạn sẽ chứng tỏ được mình là một vị sếp “phong độ” bằng những lời lẽ khích lệ hơn là khinh thường họ.
Bước 5: Không tỏ rõ sự ưu ái cho riêng ai
Có cảm tình với nhân viên nào đó hơn những người còn lại là điều tự nhiên, nhưng đừng để lộ chuyện này. Nếu bạn đề ra các quy định và chuẩn mực riêng trong công việc, hãy đảm bảo tất cả đều tuân thủ một cách bình đẳng. Sự thiên vị sẽ bào mòn nhiệt huyết cũng như thành tích và năng suất làm việc của những ai không được sếp "nâng niu". Nếu muốn khen ngợi hết lời với nhân viên nào, chỉ nên nói một hai câu công khai và dành những lời khen còn lại cho lần gặp riêng. Đừng làm bất cứ điều gì có thể khơi dậy cơn giận cũng như tính nhỏ nhen trong tập thể nhân viên.
Bước 6: Giao việc hợp lý
Nếu bạn phải tự mình làm hết mọi thứ, việc kinh doanh sẽ giảm hiệu quả đi nhiều. Sếp giỏi là những người biết dành thời gian cho việc tạo dựng quan hệ và lên kế hoạch đón đầu cũng như phân chia nhiệm vụ cho nhân viên. Một khi bạn “nhúng tay” vào quá nhiều thứ cùng lúc, các phần việc quan trọng sẽ bị sao lãng.
Bước 7: Duy trì chuẩn mực về sự chuyên nghiệp
Hãy tỏ ra thật chuyên nghiệp trong trang phục, cung cách phát biểu lẫn quản lý. Chính điều đó sẽ hình thành chuẩn mực cư xử cho cấp dưới của bạn. Đừng quên nhấn mạnh rằng các nhân viên cũng nên đối đãi với nhau sao cho chuyên nghiệp. Nó không chỉ giúp mọi thứ diễn ra suôn sẻ, mà còn tạo cho họ cảm giác tự hào và tự tin khi làm việc.
Bước 8: Xây dựng sự nhất quán và đồng lòng
Trở thành sếp giỏi cũng đồng nghĩa với thiết lập tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp cũng như con người cá nhân mà cả bạn lẫn nhân viên đều tôn trọng và muốn cạnh tranh công bằng. Nó sẽ thể hiện ở cách bạn lèo lái việc kinh doanh từ chỗ ổn định đến xuất sắc trên mọi cấp độ.
Ty
Theo Bưu điện Việt Nam