Sáng 28/8, hội nghị tham vấn chuyên gia về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do UB Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội tổ chức đã thu hút rất đông chuyên gia giáo dục tham gia.
Một vấn đề được rất nhiều chuyên gia quan tâm và thảo luận đó là đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân.
Người sáng lập mô hình trường Thực Nghiệm, GS Hồ Ngọc Đại tán thành phương án hệ thống giáo dục phổ thông kéo dài trong 10 năm.
Cụ thể, ông đề nghị: “Bậc tiểu học là sự sống của đời người, nền tảng của gia đình và là sức sống muôn đời của dân tộc. Vì vậy, tôi cho rằng bậc học này nên kéo dài 6 năm, được ưu tiên tuyệt đối”.
PGS.TS Trần Thị Tâm Đan (nguyên chủ nhiệm ủy ban VHGDTTN của Quốc hội) cũng cho rằng cần sắp xếp lại số năm học của mỗi cấp trong hệ thông giáo dục phổ thông. Theo bà Đan, nếu giữ giáo dục THCS 4 năm như hiện nay và bậc tiểu học tăng lên 6 năm để có thời gian cho học ngoại ngữ và tăng thêm thời gian cho chương trình toán.
GS.TS Nguyễn Đình Hương cũng cho rằng cần phải nghiên cứu điều chỉnh giáo dục phổ thông mềm dẻo, theo phương án THCS kéo dài 5 năm. Đây là ý tưởng tốt có thể thực hiện chương trình sách giáo khoa cơ bản từ lớp 1-10.
Sau THCS, chúng ta có thể thực hiện phân luồng dễ dàng tránh được áp lực thi đại học. Học sinh phân luồng sang giáo dục chuyên nghiệp vẫn có cơ hội học lên đại học.
GS Hương cũng đưa ra thêm phương án tương tự như quan điểm của GS Hồ Ngọc Đại. Cụ thể, hệ thống giáo dục quốc dân gồm các cấp học: mầm non; phổ thông (6 năm tiểu học, 4 năm THCS, 2 năm THPT); giáo dục chuyên nghiệp gồm sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; giáo dục đại học gồm cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Vị chuyên gia này cho rằng đây là phương án để đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục Việt Nam.
Tuy nhiên, các đại biểu đều băn khoăn và cho rằng hiện nay Việt Nam chưa đủ điều kiện để thực hiện thay đổi hệ thống giáo dục. Dù chỉ thêm một năm nhưng thay đổi này sẽ làm rung chuyển cả hệ thống từ việc đào tạo giáo viên, trường lớp, quy mô, cách thức quản lớp, cơ sở vậy chất thiết bị, chi phí.
GS Hồ Ngọc Đại cho rằng: “Những đứa trẻ sinh ra trong thế kỷ XXI có những điều mà thế hệ trước chưa có, là nhân vật đầu tiên xuất hiện trong lịch sử. Do đó cần được hưởng nền giáo dục mới, không thể áp dụng nền giáo dục của cha ông cho họ được”.
Ông bày tỏ quan điểm “có trẻ em mới mở trưởng, từ đó xuất hiện thầy giáo, hiệu trưởng, giám đốc sở, bộ trưởng, giáo sư tiến sĩ”, nhưng cuối cùng tất cả người lớn bàn cãi việc đổi mới giáo dục lại “không hỏi thằng trẻ con”. Vì vậy, ông khẳng định ngành giáo dục phải lấy sự sống của thế hệ trẻ làm căn cứ để đưa ra những quyết định đổi mới.
Phát biểu tại hội nghị, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, trong Tờ trình mới nhất của Bộ GD-ĐT về đề án này gửi Quốc hội chỉ còn một phương án giữ nguyên hệ thống giáo dục quốc dân như hiện nay. Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng nên các chuyên gia cho rằng vẫn cần đưa ra thảo luận và tiếp tục nghiên cứu.
Tham khảo hệ thống giáo dục của một số nước trên thế giới (trích bản đánh giá chương trình GDPT theo tinh thần nghị quyết 40 của Quốc hội và định hướng xây dựng chương trình GDPT sau năm 2015 của PGS.TS Nguyễn Thám - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Huế ):
Nước |
Tiểu học |
THCS |
THPT |
Đại học |
Hàn Quốc |
6 |
3 |
3 |
4 |
Nhật Bản |
6 |
3 |
3 |
4 |
Malaysia |
6 |
3 |
2 |
4 |
Đức |
4 |
5 |
4 |
4 |