Sáng 1/11, ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở Tài Nguyên & Môi trường Bình Định, xác nhận Sở đang phối hợp Cục Hàng hải Việt Nam cùng cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định hồ sơ để trình xét cấp phép nhấn chìm gần 440.000 m3 bùn, cát tại vùng biển Quy Nhơn.
Theo vị giám đốc Sở, Cục Hàng hải đã gửi văn đề nghị tỉnh Bình Định cho phép nhấn chìm số bùn, cát được nạo vét bên ngoài phao số 0, luồng ra vào cảng Quy Nhơn, theo quy định tối thiểu là 2,5 km từ bờ biển trở ra.
Bãi biển "Vầng trăng khuyết" Quy Nhơn. Ảnh: Minh Hoàng. |
Ông Thành cho rằng hiện luồng vào cảng Quy Nhơn đang bị bồi lắng gây cản trở hoạt động của các tàu vận tải lớn. Trước thực trạng này, để tiếp nhận tàu 50.000 DWT thì cần hạ độ sâu đến 11 m nên Cục Hàng hải có dự án nạo vét gần 440.000 m3 bùn, cát tại đây. Cục Hàng hải đã làm việc với các Bộ, ngành và báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được phê duyệt.
“Nhận chìm gần 440.000 m3 bùn, cát ở vùng biển Quy Nhơn là vấn đề hết sức phức tạp nên chúng tôi cân nhắc, thận trọng. Phải tính toán làm sao thực hiện dự án nạo vét để đảm bảo tàu lớn vào được cảng Quy Nhơn nhưng không ảnh hưởng đến môi trường, xáo trộn đời sống của người dân”, ông Thành cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay về mặt chủ trương, địa phương đồng ý cho các đơn vị triển khai thi công dự án nạo vét luồng lạch bồi lắng ở cảng Quy Nhơn.
Hiện dự án đã báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài Nguyên & Môi trường cũng đã chấp thuận cho phép. Tuy nhiên, tỉnh đã đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan phải tuân thủ quy định hiện hành về bảo vệ môi trường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh để kiểm tra, giám sát quá trình nhận chìm bùn, cát.
"Chúng tôi đang yêu cầu đơn vị tư vấn Bộ Giao thông Vận tải tính toán chính xác khối lượng bùn, cát của dự án sẽ nhấn nhìm, đánh giá kỹ tác động môi trường tránh gây ô nhiễm môi trường biển. Bình Định chú trọng phát triển du lịch biển, đảo nên tỉnh rất lo, thận trọng chuyện nhấn chìm bùn, cát ở vùng biển địa phương", Phó chủ tịch tỉnh Bình Định nói.
Ba tháng trước, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một số cơ quan đơn vị cho phép Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 vật liệu nạo vét của vũng quay tàu ở vùng biển Bình Thuận đã gây ý kiến trái chiều trong dư luận.
Trước tình hình này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã gửi văn bản đến Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương, đồng thời gửi Văn phòng Trung ương Đảng và một số cơ quan đơn vị khác có liên quan để theo dõi.
Văn bản này đề nghị Trung ương trước nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là những ý kiến trái chiều của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan chức năng Trung ương phải tiến hành khảo sát, thẩm định, thẩm tra, xem kết quả cụ thể nó như thế nào. Mục đích để đảm bảo làm sao tất cả những vấn đề đã được thể hiện trong dự án cấp phép nhận chìm cũng như nội dung đã đề cập trong giấy phép nhận chìm của Bộ Tài nguyên Môi trường phản ánh đúng thực tế.
Việc làm này nhằm bảo vệ khu bảo tồn Hòn Cau, không làm ảnh hưởng đến các sinh vật ở trong môi trường biển, không gây xáo trộn cuộc sống của cộng đồng dân cư đánh bắt và chế biến hải sản nơi đây./.
Cảng Quy Nhơn, nơi luồng lạch bị bồi lắng cần nạo vét gần 440.000 m3 bùn, cát. Ảnh: Google Maps. |