Chiều 24/7, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Bình Thuận, cho biết Tỉnh ủy Bình Thuận đã có văn bản gửi Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng xin ý kiến chỉ đạo về việc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xin nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải sau nạo vét xuống biển Vĩnh Tân.
Sơ đồ khu vực đổ 1 triệu m3 bùn cát sau nạo vét. Ảnh: P.N. |
Ông Hùng cho biết sau khi nhận được thông tin Bộ TN&MT cấp giấy phép nhận chìm gần 1 triệu m3 chất nạo vét ở khu vực vũng quay tàu, khu vực bến nước trước Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, đã có nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia, nhà khoa học nên Tỉnh ủy Bình Thuận đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương vào ngày 14/7.
“Tỉnh ủy Bình Thuận đề nghị Trung ương chỉ đạo cho các cơ quan độc lập thẩm tra, thẩm định để cho kết quả khách quan, nhiều chiều, khoa học về vấn đề trên”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, Bình Thuận có giới thiệu đến phương án dùng bê tông cốt thép làm kè chắn lấn biển ở những khu vực bị sạt lở ven bờ, sau đó đổ chất nạo vét vào đây.
“Chúng ta để vật chất nạo vét vào trong những kè biển, một mặt chống xói lở, mặt khác giải quyết được chất nạo vét chứ không phải đưa xuống đáy biển, phương án này có nhiều mặt lợi hơn”, Bí thư tỉnh Bình Thuận giải thích.
Tàu chở than neo trước Hòn Cau, 1 triệu m3 bùn cát được nạo vét để phục vụ cho tàu đưa than vào nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Ảnh : Huỳnh Hải. |
Ngoài ra, ông Hùng cho biết, qua thông tin báo chí có doanh nghiệp đang có hồ sơ đề nghị với Bộ TN&MT cho phép nhận chìm khoảng 2,4 triệu m3 chất nạo vét xuống biển Vĩnh Tân.
“Hiện nay, việc nhận chìm đang có nhiều ý kiến khác nhau nên chúng tôi đề nghị Bộ TN&MT dừng việc cấp phép này lại để xem xét một cách cẩn trọng hơn”, ông Hùng nói.
Trước đó, ngày 23/6, Bộ TN&MT đã cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát thu được sau nạo vét khu quay tàu và vũng nước chuyên dùng trước nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Vụ việc đã dấy lên lo ngại ảnh hưởng đến môi trường biển, đặc biệt là khu vực nhận chìm chỉ cách khu bảo tồn biển Hòn Cau 10 km.
Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phản đối dự án trên. Hiệp hội nghề cá Việt Nam cũng đã có công văn kiến nghị Chính phủ cho tạm dừng thực hiện khẩn cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên & Môi trường cho phép đổ 1 triệu m3 bùn xuống vùng biển Bình Thuận.
Vùng biển được cấp phép nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát. Ảnh: Google Maps. |