Ngày 7/7, ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ TN&MT, đã có cuộc làm việc tại UBND tỉnh Bình Thuận, công bố các vấn đề liên quan đến việc cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét xuống biển Vĩnh Tân.
Giám sát việc nhận chìm
Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã soạn thảo kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác nhận chìm nhằm chủ động, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường biển, hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra các sự cố môi trường.
Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại buổi làm việc sáng 7/7 ở Bình Thuận. Ảnh: Q.V. |
Theo dự thảo của Sở TN&MT, thời gian giám sát, kiểm tra từ đầu tháng 7/2017 và kết thúc vào ngày 1/7/2018. Trong thời gian thực hiện việc nhận chìm, các thành viên tổ công tác có trách nhiệm theo dõi, nắm thông tin và đánh giá tình hình từng ngày.
Định kỳ 2 tuần/lần, tổ công tác tổ chức giám sát thực tế tại dự án. Hàng tháng, tổ công tác tiến hành lấy mẫu, phân tích chất lượng nước biển và báo cáo kết quả các vị trí giám sát hoạt động nhận chìm ở biển và xung quanh.
Viện Hải dương học Nha Trang là đơn vị giám sát độc lập sẽ thiết lập các điểm quan trắc, thực hiện ba lần/ngày.
Người nuôi tôm Bình Thuận lo lắng
Trong cuộc họp đánh giá tình hình sản xuất, phát triển 6 tháng đầu năm diễn ra vào sáng cùng ngày của Hiệp hội Tôm Bình Thuận, việc nhận chìm cát, bùn thải đã được đưa ra bàn thảo.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, xã Vĩnh Tân được xem là thủ phủ tôm giống của Bình Thuận và cả nước. Trong 6 tháng đầu năm, tôm giống Bình Thuận đã cung cấp cho thị trường 9,5 tỷ con, chiếm 25% sản lượng của cả nước. Tôm giống Bình Thuận được đánh giá là chất lượng nhất hiện nay.
Tuy nhiên, việc nhận chìm 1 triệu tấn bùn, cát sau nạo vét đã làm cho những người nuôi tôm ở đây lo ngại. Theo ông Anh, con tôm giống rất nhạy cảm với sự thay đổi môi trường, nhất là nước. Hiện nay, nước biển nuôi tôm được lấy chủ yếu trực tiếp từ khu vực biển Vĩnh Tân, qua quá trình xử lý rồi đưa vào hồ nuôi. Nếu môi trường nước thay đổi, con tôm sẽ không thích nghi được.
Vĩnh Tân được xem là thủ phủ tôm giống của cả nước. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Tại cuộc họp, các thành viên Hiệp hội Tôm Bình Thuận đã thống nhất gửi ý kiến đến UBND tỉnh Bình Thuận về việc nhận chìm bùn, cát thải. Trong đó có kiến nghị rằng phải có chương trình bồi thường rõ ràng, thống nhất chi phí bồi thường trước khi triển khai chương trình giám sát. Chủ đầu tư phải cam kết đứng ra bồi thường nếu để xảy ra sự cố môi trường.
Cũng theo các thành viên Hiệp hội Tôm Bình Thuận, UBND tỉnh Bình Thuận cần lập phương án hỗ trợ người dân nếu xảy ra sự cố môi trường như công việc, nơi ở.
“Tôi ở đất Vĩnh Tân này gần 20 năm, từ lúc ở đây còn hoang sơ đến khi trù phú như bây giờ. Biển sạch, môi trường tốt nhưng bây giờ nghe đến việc nhận chìm bùn thải, chúng tôi cảm thấy lo lắng”, một thành viên Hiệp hôi Tôm Bình Thuận chia sẻ.
Trước đó, ngày 23/6, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc đã ký giấy cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát thu được trong quá trình nạo vét vũng quay tàu và khu trước bến nước chuyên dụng xuống biển Vĩnh Tân.
Người dân nuôi tôm xã Vĩnh Tân lo lắng việc nhận chìm ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh: Google Maps. |