Nếu như vé tour diễn 1989 của Taylor Swift cháy hàng chỉ trong vài tiếng đồng hồ thì Reputation đã mở bán gần cả tháng nhưng vé vẫn chưa bán hết. Không phải vì "nữ hoàng" đã hết thời, mà đơn giản vì giá vé trên trời của nó.
Một người dùng Twitter phàn nàn trên tài khoản của mình: “Tôi chỉ cần trả 150 USD để có được chỗ ngồi tuyệt vời trong tour diễn 1989. Cùng chỗ ngồi ấy nhưng giờ tôi phải bỏ ra tới 500 USD".
Taylor Swift bị tố "làm tiền" người hâm mộ. |
Giá vé cao gấp 3 lần đã khiến nhiều người rón tay. 500 USD là một khoản chi không nhỏ, kể cả tại Mỹ. Với số tiền ấy, bạn có thể mua một chiếc laptop hay một chiếc máy ảnh loại thường.
Nhưng 500 USD vẫn chưa là gì. Có cả những chiếc vé trị giá tới 800 USD, gần bằng một chiếc iPhone X. Không khó lý giải tại sao cả 33 buổi biểu diễn của Taylor Swift trong tour diễn sắp tới - đến thời điểm này - vẫn còn thừa chỗ.
Nhưng đừng cho rằng đó là nước đi sai lầm của “nàng rắn”. Thực chất, giá vé ngất ngưởng chỉ xuất hiện ở những ngày đầu. Sau đó, vé được đưa về giá chấp nhận được đối với công chúng. Tại sao Taylor Swift lại làm như thế? Có phải cô đang sợ sẽ bị ế nên quyết định giảm giá khẩn cấp? Hoàn toàn không.
Thực chất, ban đầu, vé bán tour diễn này trên trang Ticketmaster chỉ được giới hạn cho những người hâm mộ chân chính của nữ hoàng nhạc pop. Để mua được vé, họ bắt buộc phải đăng ký trước hàng tuần lễ và chứng minh mình là người yêu Taylor Swift cuồng nhiệt.
Chứng minh như thế nào? Có nhiều cách. Thứ nhất, email của họ phải nằm trong danh sách email chính thức của Taylor Swift. Chuyện này thì đơn giản. Nhưng thứ hai, họ phải mua bản order đặt trước của album Reputation, mua chiếc nhẫn rắn mà Taylor Swift đeo trong MV của cô.
Tóm lại là mua những sản phẩm thương hiệu Swift. Mà điều này thì tốn tiền. Những người đã sẵn sàng chi trả cho những món đồ “lưu niệm” chính là các fan cuồng.
Taylor Swift nóng bỏng trên sân khấu. |
Taylor Swift đã lợi dụng tâm lý của những người này, bắt họ chi trả cao hơn để sở hữu tấm vé trong tour diễn của cô. Theo một tính toán của Billboard, với chiến lược này, Taylor có thể thu thêm trung bình 1,5 USD từ mỗi người hâm mộ.
Và người ta có thể tưởng tượng ra, cô sẽ đút túi dễ dàng hàng triệu USD như thế nào. Hành động “bòn rút” tiền từ chính các fan ruột khiến ngay cả những người yêu thích cô cũng phải bất bình. Tờ New York Post bình luận: “Tình trạng bán vé là một sự thất vọng nặng nề.”
Tuy nhiên, Taylor Swift không phải ngôi sao đầu tiên dùng chiêu thức chỉ người hâm mộ thực sự mới được mua vé trước. Ban nhạc U2 hay huyền thoại Bruce Springsteen trước đó cũng áp dụng phương pháp này, và các tour diễn của họ đều thành công tốt đẹp.
Còn Taylor Swift, đây cũng không phải lần đầu tiên cô gây ra một vụ lùm xùm về chuyện “tiền nong”. Năm 2015, có không ít người lên án cô khi cô bày tỏ ý định đăng ký độc quyền thương hiệu 1989, và bất cứ ai sử dụng cụm số này sẽ phải hỏi ý kiến hay trả một khoản tiền cho cô.
Bất bình cũng phải, vì con số 1989 chẳng có gì đặc biệt và quá thông dụng, ai cũng có lúc phải dùng.