Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Đến năm 2030, 40% giáo viên THPT tại TP.HCM có trình độ thạc sĩ

Theo chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM từ nay đến năm 2030, dự kiến 40% giáo viên THPT có trình độ thạc sĩ chuyên ngành.

TP.HCM định hướng xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, hội nhập. Ảnh: Phương Lâm.

Theo thống kê của UBND TP.HCM, toàn thành phố hiện có hơn 1,6 triệu học sinh và 77.409 giáo viên, 2.310 trường học từ bậc mầm non đến THPT, trogn đó, số lượng trường công lập là 1.350, ngoài công lập là 960.

Trong chiến lược phát triển giáo dục thành phố từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM đặt mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo là xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, hội nhập, trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á.

Song song đó, thành phố xây dựng xã hội học tập, khuyến khích và tạo điều kiện công bằng, thuận lợi để mọi người dân được học tập suốt đời, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và hội nhập quốc tế.

Ngành giáo dục và đào tạo TP.HCM đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến thế giới vào năm 2045.

100% trường tiểu học học 2 buổi/ngày

TP.HCM đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu bình quân 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.

Thành phố chấm dứt các hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ đơn vị đảm bảo tự chủ tài chính).

Từ nay đến năm 2025, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.

Đến năm 2030, thành phố đảm bảo 60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường THCS và 50% trường THPT công lập đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia.

Mỗi quận, huyện, TP Thủ Đức có ít nhất 2 trường ở mỗi cấp học thực hiện chương trình chất lượng cao. Ngoài ra, thành phố có ít nhất 10 trường THPT, THPT chuyên có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dạy học đạt các tiêu chí trường chất lượng cao.

100% trường học trên địa bàn phấn đấu xây dựng theo mô hình trường học thông minh, xây dựng mới 4 trường phổ thông nhiều cấp học chất lượng cao tại TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh và Củ Chi.

Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, thành phố đặt mục tiêu 100% trường tiểu học, 70% trường THCS dạy và học 2 buổi/ngày, từ 80% trường THPT trở lên ở mỗi quận, huyện, TP Thủ Đức dạy và học 2 buổi/ngày.

Trong đó, 80% học sinh THPT có thể thông thạo giao tiếp, tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ (tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ); 100% học sinh tốt nghiệp THPT có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, 50% học sinh có trình độ tin học đạt chuẩn quốc tế.

Mỗi học sinh phổ thông biết chơi ít nhất một môn nghệ thuật, nhạc cụ và luyện tập ít nhất một môn thể thao.

Riêng về tầm nhìn đến năm 2045, dự kiến 20% trường mầm non công lập đảm bảo điều kiện tự chủ, 10% trường hiện chương trình chất lượng cao và 80% trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia.

giao duc TP.HCM anh 1

TP.HCM phấn đấu đến năm 2030, 80% học sinh THPT có thể thông thạo giao tiếp, tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ. Ảnh: Phương Lâm.

Thu hút nhân tài

Bên cạnh đó, TP.HCM dự kiến xây dựng chính sách thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc.

Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, 100% giáo viên mầm non tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, trên 85% giáo viên mầm non có trình độ cử nhân thuộc ngành giáo dục mầm non.

100% giáo viên tiểu học, THCS và THPT có trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên (hoặc tương đương) trở lên; 40% giáo viên THPT có trình độ thạc sĩ chuyên ngành.

Về trình độ tin học, ngoại ngữ, thành phố đặt mục tiêu 80% giáo viên đạt chuẩn mức độ 2 khung năng lực số, đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số. 60% giáo viên thành thạo giao tiếp và tiếp cận học liệu bằng ngoại ngữ.

Ngoài ra, mục tiêu đến năm 2030, thành phố tuyển đủ số lượng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

TP.HCM cũng phấn đấu đến năm 2025, 12% dân số có trình độ đại học trở lên, và đến năm 2030, con số này là 15%. 100% cơ sở giáo dục đại học (đủ điều kiện) đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.

Tỷ lệ công bố bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa quốc tế có uy tín trên giảng viên đạt 45% vào năm 2025, và 75% vào năm 2030. Tỷ lệ sinh viên có việc làm phù hợp trình độ chuyên môn trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

TP.HCM hỗ trợ học phí cho học sinh trường tư khi thiếu trường công

Học sinh đang học trường tư ở TP.HCM do địa bàn nơi cư trú không đủ trường công sẽ được hỗ trợ học phí 100.000-300.000 đồng/tháng.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm