Câu 1. Dãy núi dài nhất nước ta?
Trường Sơn là dãy núi dài nhất nước ta với hơn 1.000 km, kéo dài từ thượng nguồn sông Cả trên đất Lào, giáp Nghệ An tới tận cực Nam Trung Bộ. Trường Sơn được chia thành Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam. |
Câu 2: Đỉnh núi nào của nước ta được mệnh danh "nóc nhà của Đông Dương"?
Fansipan thuộc dãy Hoàng Liên Sơn là đỉnh núi cao nhất Việt Nam, Lào, Campuchia, được mệnh danh là nóc nhà của Đông Dương. |
Câu 3. "Nóc nhà Đông Dương" cao bao nhiêu m?
Đỉnh Fansipan có độ cao 3.143 m so với mực nước biển. Đây chính là đỉnh núi cao nhất của Đông Dương (Việt Nam, Lào và Campuchia). |
Câu 4. Sau Fansipan, đỉnh núi cao thứ hai của nước ta là?
Cũng nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, Putaleng là đỉnh núi cao thứ hai ở Việt Nam với độ cao lên tới 3.096 m. |
Câu 5. Dãy núi cao nhất miền Trung có tên là?
Ngọc Linh là núi cao nhất miền Trung, nằm trên phần cao nguyên phía Bắc Tây Nguyên, trong địa phận các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai. Dãy Ngọc Linh có độ cao khoảng 800-2.800 m. |
Câu 6. Đền thờ các Vua Hùng ở núi nào?
Đền thờ các Vua Hùng hiện nay nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. |
Câu 7. Đỉnh núi nào cao nhất khu vực Đông Nam Bộ?
Núi Bà Đen thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hoà Thành, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, là đỉnh núi cao nhất của khu vực Đông Nam Bộ với 986 m. |
Câu 8. Núi nào cao nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long?
Với độ cao 705 m so với mực nước biển, Núi Cấm được xem như “nóc nhà” của Đồng bằng Sông Cửu Long. Nơi đây còn được mệnh danh là “Đà Lạt của An Giang” bởi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Đỉnh Núi Cấm còn có tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á, cao gần 34 m. |