Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đến TP.HCM khám bệnh từ 3h sáng

Từ 3h sáng, bệnh nhân đã chen chúc trước cổng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Cửa mở, từng dòng người nối đuôi nhau, xếp hàng nhận số thứ tự.

Người bệnh đến sớm, mệt mỏi chờ đợi khi chờ khám bệnh ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Trong sảnh chờ của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2, TP Thủ Đức) lúc 4h sáng, dòng người đã xếp thành nhiều hàng dài, chờ đợi đến 4h30 để được nhận số thứ tự.

Phải di chuyển cả đêm, giấc ngủ chập chờn nên trên mặt nhiều người lộ rõ sự mệt mỏi. Có người thiu thiu ngủ gật trong lúc ngồi đợi.

Lẫn trong đám đông, anh Nguyễn Văn Tước (41 tuổi, ngụ Long Xuyên, An Giang) thẩn thờ hết nhìn mẹ rồi lại thở dài, lâu lâu lấy tay dụi mắt, nói chuyện với người xung quanh, cố vượt qua cơn buồn ngủ.

Anh Tước cũng như hàng trăm người bệnh khác, tranh thủ bắt chuyến xe đêm từ quê lên TP.HCM, chờ khám rồi về trong ngày để tiết kiệm chi phí ăn ở.

Những chuyến xe đêm

Khoảng hơn tháng trước, mẹ anh Tước được bệnh viện ở địa phương chẩn đoán ung thư phổi di căn xương và gan.

Trong lúc mẹ nằm viện điều trị cơn đau cấp, gia đình được bác sĩ tư vấn hai phương án: Một là để bà lại bệnh viện tuyến tỉnh, bác sĩ sẽ cho thuốc giảm đau và kéo dài sự sống "được lúc nào hay lúc đó". Hai là bệnh viện cho giấy chuyển viện lên TP.HCM khám và điều trị, ngoài phần bảo hiểm y tế chi trả thì các loại phí còn lại gia đình phải tự lo.

Nhìn người mẹ già đã 80 tuổi, không màn đến sức khoẻ của bản thân mà suốt 6 năm qua chăm sóc cho người cha đột quỵ nằm liệt giường, anh Tước và ba anh chị khác quyết định đưa mẹ lên TP.HCM. "Còn nước thì còn tát", anh nói.

kham benh luc nua dem anh 1

Anh Tước ngồi xếp hàng chờ đến lượt lấy số khám bệnh cho mẹ lúc khoảng 4h sáng tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Anh Tước thu xếp xin nghỉ việc, mượn tiền họ hàng, để vợ chăm sóc hai con rồi vội vàng khăn gói lên đường. 20h30, gia đình 3 người lên xe khách, đến 2h30 sáng hôm sau thì xe cập bến TP.HCM.

Cả nhà anh bắt thêm một chuyến xe ôm từ ngã tư Bình Phước để đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Khi đến nơi, bệnh viện chưa mở cửa, anh Tước xin bảo vệ cho mẹ vào trong vì trời còn khuya, gió lạnh. Lúc mẹ và chị tranh thủ chợp mắt, anh Tước lấy ghế ngồi xếp hàng chờ lấy số và trông mẹ.

"Tôi bắt chuyến xe từ Long Xuyên lên thành phố ngay trong đêm, tôi sợ muộn vài ngày, mẹ sẽ mất đi cơ hội được kéo dài sự sống", anh Tước nói.

Thêm nữa, anh Tước cho biết vốn dĩ mình làm dược sĩ nhưng muốn gần gia đình, anh đã xin nghỉ việc về quê làm bảo vệ của bảo tàng tỉnh, nên thu nhập không cao. Chi phí chăm lo cho mẹ nằm viện một tháng và lên TP.HCM chữa trị là số tiền lớn đối với gia đình, anh cần tiết kiệm tối đa, kể cả tiền ăn ở.

kham benh luc nua dem anh 2

Người dân ngồi chờ hàng dài ở ghế đá trước sản Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2) lúc 3h sáng 12/8. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Đã 77 tuổi, nhưng suốt 4 năm nay, đều đặn 3 tháng một lần, bà Bùi Thị Mơ một mình bắt chuyến xe khuya từ Đạ Tẻh, Lâm Đồng đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tái khám.

Hơn 10 lần đặt chân đến TP.HCM điều trị ung thư trực tràng, lúc nào cũng vào khoảng 3h sáng, bà cũng đã dần quen.

"Tôi đi chuyến khuya, đến TP.HCM khám sớm rồi về luôn trong ngày. Di chuyển liên tục như vậy sẽ hơi mệt, nhưng bớt được chút tiền ăn ở. Tôi thêm vào tiền mua sữa cho chồng đang nằm liệt giường suốt mấy năm nay", bà Mơ nói.

Nhiều lần bà Mơ muốn xin về tái khám ở bệnh viện tuyến tỉnh, nhưng các bác sĩ nói rằng bệnh bà quá nặng và là bệnh nhân của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM nên phải đến đó tái khám và điều trị.

Giấc mơ có con không thành

Vừa cưới được một tháng, chị Huỳnh Thuý Ngân (35 tuổi, ngụ Cà Mau) phát hiện bị ung thư đại tràng giai đoạn 3C sau nhiều lần bị đau bụng và táo bón. Lúc đang điều trị ung thư, chị lại được chẩn đoán u nang buồng trứng quá lớn, cần cắt bỏ buồng trứng. Trải qua hai cú sốc, chị Ngân như sụp đổ.

"Tôi là người dễ khóc, cứ ngồi một mình tôi lại khóc. Mong ước được làm mẹ có lẽ không bao giờ trở thành hiện thực", chị Ngân chia sẻ.

kham benh luc nua dem anh 3

Dù đã nhiều lần đi tái khám lúc nửa đêm, chị Ngân vẫn chưa quen được việc phải thức xuyên đêm. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Nhớ lại những ngày đầu phát hiện bệnh, bác sĩ đã trả chị về nhà, nhưng nhờ sự động viên của gia đình và họ hàng, chị quyết bám trụ bệnh viện và chiến đấu đến cùng. May mắn đã mỉm cười, sau khi trải qua 2 cuộc phẫu thuật, 8 lần truyền hoá chất, sức khoẻ của chị Ngân dần ổn định.

Rõng rã hai năm sau phẫu thuật, vợ chồng chị cứ 4 tháng lại bắt xe từ Cà Mau lên TP.HCM tái khám. Lần nào đi cũng từ đêm khuya, đến nơi thì trời vừa tờ mờ sáng. Khi khám xong thì vợ chồng lại vội vàng lên xe khách trở về quê.

Chị Ngân đang làm giáo viên tại một trường tiểu học ở Cà Mau, còn chồng ở nhà tại Bạc Liêu để chăm ba mẹ già yếu. Hai vợ chồng không sống cùng nhau, ba tuần mới được gặp nhau một lần.

Do hoàn cảnh kinh tế không dư giả, chị lựa chọn đi khám lúc nửa khuya để tiết kiệm tối đa chi phí ăn ở, vì mỗi lần tái khám sẽ mất khoảng 5 triệu đồng. Đồng thời, đi khám sớm, vợ chồng chị sẽ bớt được thời gian chờ đợi khi bệnh nhân quá đông.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết cả hai cơ sở của bệnh viện này mỗi ngày tiếp nhận trung bình khoảng 4.800 người đến khám. Hơn 80% là người bệnh từ tỉnh đổ về đây, do đó, họ thường đi xe đêm để đến TP.HCM lúc trời vừa sáng.

Để giải quyết tình trạng người bệnh phải chờ đợi, bệnh viện đã thực hiện phương án mở cửa khám sớm từ 5h cho người bệnh khám dịch vụ, bốc số và làm thủ tục từ 4h30 cho người bệnh khám bảo hiểm y tế. Để giảm quá tải và phải chờ đợi lâu, hàng trăm người bệnh đã đến đăng ký khám từ tờ mờ sáng. Nhưng vẫn có người phải đợi đến chiều mới có kết quả và ra về.

Sách hay về tình yêu

Đã có nhiều sách, tác phẩm viết về tình yêu - câu chuyện của trái tim ấm nóng, thứ tình cảm thường được cho là phức tạp. Dưới “cái đầu lạnh” của những lý thuyết triết học, góc nhìn tâm lý học, tình yêu hiện lên sáng rõ nhưng cũng không thiếu cảm xúc.

Nghệ thuật yêu của nhà phân tâm học Erich Fromm xuất bản năm 1957. Đến nay, cuốn sách được dịch ra 34 thứ tiếng với hàng triệu bản in. Nó vừa là công trình nghiên cứu lý thuyết, vừa là cuốn sách tâm tình, gợi mở bạn đọc hiểu về bản chất của yêu.

Ho ra máu cảnh giác với sán lá phổi

Người bệnh mắc bệnh sán lá phổi thường ho ra máu, đau ngực... nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến viêm phổi, tràn dịch màng phổi.

Nguyễn Thuận

Bạn có thể quan tâm