Năm học 2013-2014, TP.HCM tăng thêm 40.804 học sinh so với năm học trước. Hơn 1.314 phòng học mới sẽ đưa vào sử dụng trong năm học này nhưng vẫn chưa đáp ứng được chỗ học. 127 phụ huynh trường tiểu học Phước Long A, quận 9 bàng hoàng khi nhận được thông báo con họ sẽ chuyển sang một trường khác ngay trong ngày tựu trường.
Từ ngày 12 đến 15/8, trong khi bạn bè đã bước vào năm học mới thì cả trăm học sinh trong danh sách chuyển trường phải vạ vật ở hành lang, sân trường vì chưa có chỗ học (danh sách đã có ở trường mới nhưng phụ huynh không đồng ý chuyển đi).
Đáng nói là những học sinh này đều tham gia học hè, sinh hoạt đầu năm, mua đồng phục, phù hiệu và chuẩn bị tinh thần bước vào năm học mới tại trường tiểu học Phước Long A.
Phụ huynh trường tiểu học Phước Long A, quận 9, TP.HCM tập trung trước cổng trường sáng 14-8 để phản ứng chuyện hơn 100 học sinh phải chuyển trường ngay đầu năm học |
Đột ngột chuyển trường
Do trường tiểu học Phước Long A là trường chuẩn quốc gia đang quá tải học sinh, Phòng GD-ĐT quận 9 đã có tờ trình ngày 9/8 xin UBND quận cho phép điều tiết lại học sinh bằng cách chuyển 127 học sinh của trường này sang một cơ sở của trường tiểu học Phước Long B (trường này hiện đang được xây mới, dự kiến khánh thành vào học kỳ 2 năm học 2013-2014).
Danh sách 127 học sinh phải chuyển trường được lấy theo địa bàn sinh sống, ưu tiên những khu phố gần trường mới. Sáng 15/8, cuộc họp giữa ban giám hiệu trường tiểu học Phước Long A và những phụ huynh có con em phải chuyển trường kéo dài tới gần 11h nhưng chưa có kết quả.
Người dân phản ứng mạnh mẽ việc con họ có hộ khẩu tại địa phương lại bị chuyển trường đột ngột. Chị Vinh - phụ huynh ở khu phố 5, có con học lớp 2 - bức xúc: “Lớp có 36 học sinh, thiết nghĩ cũng không quá đông, chỉ có một mình con tôi bị chuyển đi khiến tâm lý của cháu bị ảnh hưởng. Không biết trường căn cứ tiêu chí gì để chuyển con tôi đi trong khi cháu đã tham gia học hè, mua đồng phục đầy đủ?”.
Một phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 kể: “Cháu khóc vì không được đi học. Ba ngày nay cháu vẫn đến trường nhưng chỉ được ngồi ở hành lang. Tôi không hiểu vì sao nhà trường lại thông báo đột ngột như vậy, không chuẩn bị tinh thần, không trưng cầu ý kiến phụ huynh, trẻ con mới ngày đầu đi học sao lại không được vào lớp? Chúng tôi là người dân sinh sống lâu năm ở đây, sao lại không được học trường gần nhà?”.
Tương tự, năm học này hơn 500 học sinh lớp 6 trường THCS Tân Sơn, Gò Vấp phải học nhờ tại trường THCS Phạm Văn Chiêu gần đó, bởi dự kiến đến tháng 12/2013 công trình xây dựng trường Tân Sơn mới hoàn thành. Đây là ngôi trường đã được duyệt dự án từ năm 2006, trải qua biết bao “thăng trầm”, cuối cùng cũng được khởi công tháng 2/2011.
Theo kế hoạch, trường sẽ hoàn thành trong 17 tháng nhưng rồi lại vướng mắc trong việc giải tỏa, đền bù, trường đã lỡ hẹn với năm học 2012-2013 và tới năm học mới này, trường cũng đành khất học sinh cho “nợ” một học kỳ. Vậy là học kỳ đầu tiên của năm học mới, giáo viên và học sinh của trường phải “ăn nhờ ở đậu” trường bạn.
Tại quận Tân Phú, hàng trăm học sinh lớp lá sẽ được học nhờ tại các nhà văn hóa trên địa bàn bởi trường lớp không đủ đảm bảo phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Để xin được chỗ học cho con, hàng trăm phụ huynh ở phường Phú Thọ Hòa và phường Phú Thạnh phải chầu chực từ nửa đêm để xếp hàng, lấy số.
Bởi phường Phú Thạnh là phường “trắng” trường mầm non. Hai phường chỉ có một trường mầm non công lập, dù trường đã được xây mới nhưng số phòng học cũng chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu người dân, dẫn đến chuyện xếp hàng chờ xin chỗ học cho con.
Tranh chấp... chỗ học
Việc tăng dân số cơ học quá nhanh đã làm các trường tiểu học gặp nhiều khó khăn trong quá trình tuyển sinh. Theo Phòng GD-ĐT quận 9, số lượng học sinh vào lớp 1 trong năm học 2013-2014 tăng quá cao so với mọi năm. Nếu năm học trước số học sinh lớp 1 chỉ khoảng 3.000 em thì năm nay quận có đến 5.053 học sinh vào lớp 1.
Bà Lê Thị Minh Loan, trưởng Phòng GD-ĐT quận 9, cho biết con số điều tra ban đầu chỉ có 3.792 em nhưng đến bây giờ đã phát sinh thêm 1.261 học sinh vào lớp 1 diện tạm trú. Quận phải điều tiết lại học sinh của một số trường để các trường không bị quá tải, trong khi chờ Trường Phước Long B đang xây được bàn giao.
“Phương án thứ nhất là tạm thời số học sinh từ Phước Long A chuyển sang sẽ học ở một cơ sở của Phước Long B, chờ đến học kỳ 2 sẽ qua trường mới. Nếu phụ huynh không đồng ý phương án 1 thì phương án 2 là Trường Phước Long A với cả ngàn học sinh buộc phải chuyển từ học hai buổi thành học một buổi trong học kỳ 1, cũng sẽ xáo trộn không ít. Đến học kỳ 2 các em này vẫn sẽ chuyển sang Trường Phước Long B mới xây xong với 30 phòng học. Chúng tôi rất mong phụ huynh thông cảm” - bà Loan nói.
Cũng theo bà Loan, để không phải giảm bớt số học sinh học 2 buổi/ngày, một số trường tiểu học đã phải tăng thêm số lớp 1 so với dự kiến. Ví dụ, trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng ban đầu mở ba lớp 1, giờ tăng lên năm lớp bằng cách tận dụng tối đa các phòng hiện có. Trong đó, nhà trường phải lấy cả phòng giáo viên làm phòng học.
Trường tiểu học Hiệp Phú từ sáu tăng lên chín lớp 1, trong đó phải tận dụng cả phòng văn thư - kế toán làm phòng học. Trường tiểu học Lê Văn Việt từ ba tăng lên bốn lớp 1, trong đó tận dụng cả phòng Đoàn - Đội làm phòng học.
Ở Củ Chi, việc “tranh chấp” chỗ học đã khiến một số phụ huynh ở trường tiểu học An Phú 2 phải đi “kiện”. Nguyên nhân là vì trường THCS An Phú sắp khởi công xây dựng mới trên nền đất cũ, học sinh phải chuyển sang học nhờ ở phân hiệu của Trường tiểu học An Phú 2.
Trong khi đó, hơn 100 học sinh ở phân hiệu của An Phú 2 phải đi thêm 3km (so với điểm học cũ) về học tại trụ sở chính của trường. Ông Trần Văn Toản, phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi, giải thích: “Nếu không sắp xếp như thế thì không thể xây dựng mới trường THCS An Phú. Phụ huynh An Phú 2 than là phải đưa con đi học quá xa. Chúng tôi đã bố trí xe buýt đưa đón học sinh miễn phí từ địa bàn dân cư đến thẳng trụ sở chính của An Phú 2, phụ huynh không phải đưa đón nữa”.