Khi lưu thông ngoài đường cách đây khoảng 10 năm, chúng ta hiếm khi bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy bật đèn khi di chuyển vào ban ngày. Thế nhưng tới đây, sẽ có hàng loạt xe máy của Honda không còn công tắc đèn, nghĩa là sẽ không thể tắt đèn dù ngày hay đêm.
Trước đây, chỉ có các dòng xe máy và môtô phân khối lớn được nhập khẩu về Việt Nam là không có công tắc đèn, còn các mẫu xe sản xuất trong nước đều có thể dễ dàng tắt bật đèn chiếu sáng. Tuy nhiên với mẫu Honda Lead, Winner X và mới đây nhất là Wave RSX, Honda đang từng bước phổ cập việc loại bỏ công tắc đèn trên xe máy.
"Tất nhiên" trên thế giới
Ở một số quốc gia trên thế giới quy định xe máy khi lưu thông vào buổi sáng bắt buộc phải bật đèn chiếu sáng ban ngày DRL (Daytime Running Light), mục đích của loại đèn này nhằm tăng khả năng nhận biết các phương tiện khi tham gia lưu thông trên đường.
Yamaha YZF-R3 là một trong những dòng xe không được trang bị công tắc bật/tắt đèn tại Việt Nam. |
Quy định trang bị đèn DRL ra đời từ tháng 2/2011 tại các nước châu Âu, nơi có điều kiện thời tiết dày đặc sương mù và có những tháng không có mặt trời. Tại khu vực Đông Nam Á, trừ Việt Nam, Campuchia và Myanmar, các nước còn lại đều quy định tất cả xe máy đều phải trang bị đèn chiếu sáng ban ngày DRL.
Tùy vào mỗi hãng cũng như thiết kế của từng dòng xe mà đèn DRL có thể là một dãy đèn riêng tương tự đèn đề-mi trên ôtô, hay cũng có thể sử dụng đèn chiếu gần làm đèn DRL. Thông thường, những mẫu xe môtô phân khối lớn và các dòng xe nhập từ châu Âu đều sử dụng đèn chiếu gần để làm đèn DRL, vì thế không được trang bị công tắc bật/tắt đèn.
Do đặc thù ở nước ngoài, các phương tiện thường di chuyển với tốc độ khá cao nên việc trang bị đèn DRL là cần thiết và quan trọng, giúp cho các xe ngược chiều nhau dễ dàng nhận biết và tránh xảy ra những va chạm đáng tiếc.
Ngược lại, với đặc thù giao thông như ở Việt Nam, các xe thường chỉ di chuyển với tốc độ tương đối chậm và nối đuôi nhau nên đèn DRL vẫn thường được dùng với mục đích trang trí là chính. Có khá nhiều người khi mua xe về đã đem xe đi độ dãy đèn DRL thành các màu xanh, đỏ, vàng... nhằm tăng thêm tính thẩm mỹ cho xe.
Tác dụng và mối nguy hại
Kể từ khi mẫu xe Lead 2019 được ra mắt vào tháng 7 năm nay, Honda Việt Nam đã quyết định tháo gỡ công tắc bật/tắt đèn trên toàn bộ mẫu xe sau này của hãng. Chi tiết này nhận được không ít ý kiến trái chiều từ người tiêu dùng Việt Nam.
Lead 2019 là mẫu xe tiên phong của Honda trong việc sử dụng hệ thống đèn xe luôn sáng. |
Một bên cho rằng đèn xe luôn sáng sẽ giúp tăng khả năng an toàn cho người lái. Trong khi đó, phe đối lập lại nêu ra những tác hại của việc đèn xe luôn sáng như giảm tuổi thọ đèn, tạo ra những mâu thuẫn khi lưu thông trên đường...
Nếu như xem xét một cách trực quan, suy nghĩ của những người không ủng hộ đèn xe luôn sáng không phải là không có cơ sở. Việc đèn xe luôn tự động bật sáng mỗi khi nổ máy sẽ làm cho tuổi thọ của bóng đèn giảm đi đáng kể, nếu xét về tính kinh tế thì đèn xe dạng truyền thống có ưu thế hơn.
Đặc thù đường xá ở Việt Nam khá sát với các khu dân cư. |
Một vấn đề nữa là đặc thù đường xá tại Việt Nam khá sát với các khu dân cư, việc để đèn xe luôn bật dễ gây ra các rắc rối không đáng có. Thực tế cũng đã có xảy ra những mâu thuẫn do bật đèn xe khi đi vào những khu vực như quán nhậu, tụ điểm vui chơi, đi vào trong hẻm nhỏ... Việc kiểm soát ánh sáng với những xe không có công tắc tắt đèn sẽ khó khăn hơn nhiều.
Tăng an toàn nhưng chưa phù hợp tại Việt Nam
Vào cuối năm 2015, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia từng đưa ra đề xuất bắt buộc bật đèn xe máy vào ban ngày nhằm giảm tai nạn giao thông. Thế nhưng đề xuất này bị chìm vào quên lãng vì nhiều lý do khác nhau.
Không thể phủ nhận việc trang bị đèn xe luôn sáng mà Honda Việt Nam áp dụng cho các dòng xe sau này của hãng là hướng tới văn minh và an toàn. Ánh sáng từ đèn luôn có tác dụng cảnh báo và nhận diện tốt hơn, qua đó giảm va chạm khi chạy xe trên đường.
Honda Việt Nam lược bỏ công tắc bật/tắt đèn là một bước đi vô cùng táo bạo. |
Thế nhưng với đặc thù giao thông ở Việt Nam, việc trang bị một dãy đèn LED làm đèn định vị ban ngày có lẽ là phù hợp hơn so với dùng đèn chiếu gần. Hầu hết xe máy ngày nay như Suzuki Raider, Yamaha Exciter và các mẫu xe của Honda, Vespa, Piaggio... đều được trang bị đèn định vị ban ngày bằng một dãy đèn LED nhỏ phía trước đầu xe.
Có lẽ, Honda Việt Nam chỉ nên trang bị cho tất cả dòng xe sau này dãy đèn LED định vị ban ngày DRL luôn sáng và không thể tắt nhằm giúp đảm bảo khả năng nhận diện từ xa vào ban ngày, đồng thời bổ sung lại công tắc bật/tắt hệ thống đèn chính để người dùng có thể chủ động bật/tắt. Việc này vừa đảm bảo an toàn, vừa giúp chiếc xe phù hợp hơn với văn hóa giao thông ở Việt Nam.
Những dòng xe sử dụng bóng halogen làm đèn DRL có thể dễ dàng chuyển sang loại bóng LED với chi phí chỉ từ 50.000 đồng. |
Về phía người dùng, sau khi mua các mẫu xe mới của Honda không có công tắc đèn, có không ít người sẽ trang bị thêm công tắc bật/tắt đèn, việc này cũng không quá khó khăn, dù mất thêm thời gian và công sức. Chi phí cho việc độ công tắc đèn trên xe Honda dao động trong vài trăm nghìn đồng.
Trong trường hợp vẫn muốn giữ nguyên thiết kế của nhà sản xuất, người dùng cần chú ý hơn khi chạy xe vào những khu vực nhạy cảm để tránh những rắc rối có thể phát sinh.