"Hiện tại, chúng ta chỉ loay hoay với mấy trăm bài báo ISI đã chết rồi còn làm gì được nữa", GS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nêu vấn đề như vậy tại tọa đàm về chủ đề công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) do ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn tổ chức hôm 20/9.
Các ý kiến của các nhà khoa học thuộc cả lĩnh vực khoa học tự nhiên (KHTN) và KHXH&NV đều nhất trí rằng thực tế, công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH ở Việt Nam dễ hơn trong lĩnh vực KHTN.
Sự quan tâm của học giả nước ngoài là lợi thế
GS Đức cho rằng Việt Nam có rất nhiều điểm đặc biệt để giới nghiên cứu KHXH nước ngoài quan tâm, chính vì thế, công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH thuận lợi hơn và dễ được trích dẫn cao hơn.
Ông Đức cho rằng đây là lợi thế của các ngành nghiên cứu KHXH chứ "các ngành kỹ thuật thì rất khó". Vì thế, "nếu như thúc đẩy công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội thì chắc chắn các chỉ trích dẫn của các công bố này sẽ cao".
Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn khẳng định "các lĩnh vực KHXH&NV dễ công bố quốc tế hơn" so với lĩnh vực KHTN.
Ông Minh nêu ra 4 khó khăn, rào cản của công bố quốc tế đối với lĩnh vực KHXH&NV tại Việt Nam như rào cản ngôn ngữ, phương pháp nghiên cứu, khả năng tiếp cận thông tin… nhưng đồng thời cũng khẳng định có tới 5 điểm thuận lợi để các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV công bố quốc tế.
Theo ông Minh, giới nghiên cứu nước ngoài không tới Việt Nam để tìm hiểu về toán, lý hay hóa mà tìm hiểu về lịch sử và văn hóa nhiều hơn. "Việt Nam giống như một bảo tàng sống, là đối tượng nghiên cứu hấp dẫn của các nhà khoa học quốc tế", ông Minh nói.
Ông Minh cho rằng, sự quan tâm nhiều của giới học giả nước ngoài về các vấn đề của Việt Nam chính là một lợi thế để các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV có thể công bố quốc tế nếu đầu tư nghiên cứu nghiêm túc theo đúng chuẩn mực của quốc tế.
Ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) cũng chia sẻ công bố quốc tế thực ra không khó như mọi người vẫn nghĩ. Các con số thống kê cho thấy số lượng công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV và KHTN của Việt Nam không chênh lệch nhau nhiều.
"Chẳng hạn, thống kê số lượng bài báo ISI năm 2012 Việt Nam lần đầu tiên vượt qua tỷ lệ 1/1000 số công bố có các tác giả là người Việt Nam tham gia trong năm đó thì tỷ trọng của các công bố quốc tế thuộc lĩnh vực KHXH&NV là 0,5/1.000, xấp xỉ một nửa", ông Dũng thông tin.
"Tính về tốc độ tăng trưởng số lượng công bố quốc tế, các ngành KHXH chỉ mất 5 năm để tăng gấp đôi trong khi các ngành KHTN phải mất tới 6-7 năm".
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng có sự chênh lệch khá lớn giữa các chuyên ngành. "Chẳng hạn như năm 2016, năm đầu tiên chúng tôi phê duyệt các đề tài với yêu cầu bắt buộc là phải có công bố quốc tế thì có những lĩnh vực có rất nhiều hồ sơ, chiếm tới 2/3 tổng số hồ sơ, song cũng có những lĩnh vực không có hồ sơ".
GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV có nhiều lợi thế hơn so với các lĩnh vực KHTN. Ảnh: Lê Văn/VietNamNet. |
"Công bố hay là chết"
Xác định công bố quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm, buộc phải làm của một trường ĐH, PGS.TS Phạm Quang Minh dẫn lời các học giả nước ngoài khẳng định đã đến lúc phải xác định: "Công bố hay là chết".
"Một trường ĐH không có công bố không còn là trường ĐH nữa chứ chưa nói tới trường ĐH nghiên cứu", ông Minh nói thêm.
Từ đó, ông Minh thẳng thắn cho rằng không có vùng cấm trong khoa học, kể cả KHXH&NV. "Nhiều người nói rằng vấn đề này nhạy cảm lắm, không công bố được đâu. Tôi nói nhiều lần rồi, ai có bản thảo nhạy cảm thì đưa tôi xem có nhạy cảm thực không", ông Minh nói và cho biết "thực tế những thông tin số liệu chúng ta có các nhà khoa học đã có hết rồi. Có gì là nhạy cảm đâu?".
GS.TS Nguyễn Hữu Đức cũng khẳng định đã là nhà khoa học thì phải nghiên cứu và phải công bố quốc tế. Người nào đứng ngoài không tham gia thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng bản thân người đó trước hết.
Tuy nhiên, ông Đức cũng cho rằng công bố quốc tế như ISI chỉ mới là bắt đầu của nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu không bắt đầu từ công bố quốc tế như ISI thì chúng ta không có kỹ năng, trí tuệ, không có tri thức lõi mà mãi mãi lẽo đẽo theo sau.
"ĐH Bắc Kinh của Trung Quốc có tàu Thần Châu, vậy ĐH Quốc gia Hà Nội có cái gì không? Chúng ta phải so sánh như vậy mới dám nghĩ, dám làm. Chứ hiện tại chỉ loay hoay với mấy trăm bài báo ISI đã chết rồi còn làm gì được nữa", ông Đức đặt vấn đề.
Nói về thực trạng công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV của Việt Nam hiện tại, PGS.TS Nguyễn Văn Chính, Khoa Nhân học, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn cho rằng, nghiên cứu của Việt Nam vẫn là tiếng nói "lạ" đối với thế giới.
Theo ông Chính, ngoài các vấn đề mang tính chất kỹ thuật, ngoại ngữ hay các chuẩn mực quốc tế trong trình bày nghiên cứu thì vấn đề tạo thành rào cản chính trong công bố quốc tế của lĩnh vực KHXH chính là nhận thức.
Ông Chính cho rằng còn có quá nhiều vấn đề được cho là "nhạy cảm" và các nhà khoa học chưa tạo được một nếp nghĩ, thói quen trong việc công bố quốc tế các thành quả nghiên cứu của mình. "Cần có sự thay đổi trong nhận thức ở tầm vĩ mô hơn về khoa học xã hội", ông Chính khẳng định.
Để thúc đẩy nghiên cứu quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV, GS.TS Nguyễn Hữu Đức đề xuất các trường, cũng như các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này nên thực hiện, gồm: Xây dựng một tạp chí chuẩn mực quốc tế và tổ chức tổ biên tập tiếng Anh cho tạp chí này.
Bên cạnh đó, ông Đức cho rằng để công bố quốc tế cần chọn lựa các tạp chí để gửi bài, đồng thời lựa chọn các chủ đề, đề tài dựa trên các ngân hàng dữ liệu mở hay ngân hàng dữ liệu mà Việt Nam đã bỏ tiền ra mua về.
Hiện nay, mỗi năm nhà nước chi 30 tỷ đồng để mua quyền truy cập cơ sở dữ liệu của Science Direct cho 4 đơn vị truy cập trong đó có ĐH Quốc gia Hà Nội, vì vậy, ông Đức cho rằng nếu các nhà nghiên cứu không truy cập khai thác dữ liệu này thì rất lãng phí.
Cuối cùng, ông Đức đề nghị ngành KHXH xây dựng ngân hàng các đầu bài thực hiện trong dài hạn cũng như tổ chức và khuyến khích các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhóm nghiên cứu tiềm năng.
5 năm 23 công bố quốc tế ISI
Theo thống kế từ dữ liệu của Thomson Reuter Web of Science, trong vòng 5 năm từ 2011-2015, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội có 23 công bố quốc tế.
Trước đây đã có nhiều tranh cãi về việc số lượng công bố quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội như vậy là quá ít so với tổng số tiền mà đầu tư cho viện này hàng năm.