Chứng chỉ chất lượng đại học là một trong những tiêu chí giúp du học sinh chọn trường tốt ở Mỹ.
Trường hợp một cơ sở đại học mới nhận được chứng chỉ chất lượng trong thời gian gần đây, ví dụ Đại học California Southern, có chứng chỉ quốc gia năm 2010 và chứng chỉ vùng năm 2015, bằng cấp và tín chỉ nhận trước thời điểm đó nên được hiểu như thế nào?
Theo ông Đinh Công Bằng (từng là nghiên cứu sinh ở Đại học bang Florida, hiện làm việc tại Mỹ), bằng cấp và học phần nhận trước thời điểm có chứng chỉ được coi là không có chứng chỉ chất lượng (unaccredited degrees/credits) và tùy thuộc hoàn toàn vào cơ quan/doanh nghiệp/đại học mà chủ nhân của bằng cấp/tín chỉ định sử dụng.
Ví dụ, tiểu bang Florida, Mỹ, vẫn cho phép cá nhân có unaccredited degrees thi chứng chỉ hành nghề kế toán CPA nếu họ học tiếp 15 tín chỉ cao học ở một chương trình có chứng chỉ vùng. Trong khi đó, một trường đại học hoặc công sở, bằng cấp không chứng chỉ thường bị coi là vô giá trị.
Vậy, các trường đại học ở Mỹ được cấp chứng chỉ chất lượng như thế nào?
Ông Bằng cho biết Bộ Giáo dục Mỹ không cấp chứng chỉ chất lượng mà dành việc đó cho các tổ chức phi lợi nhuận chuyên môn. Bộ này chỉ có trách nhiệm công nhận những tổ chức chuyên môn đó.
Trong nhiều năm, ông Đinh Công Bằng (trái) hỗ trợ sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Mỹ về lựa chọn trường, ngành nghề, tìm việc ở Mỹ sau khi tốt nghiệp. Ảnh: NVCC. |
Chứng chỉ chất lượng vùng (regional accreditation): Đây là chứng chỉ chất lượng cao nhất mà bất cứ cơ sở giáo dục đại học nào đều nên có. 7 tổ chức cấp chứng chỉ vùng lớn nhất là MSCHE, NEASC, HLC, NWAC, SACS, WASC và ACCJC.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục Mỹ công nhận một số tổ chức vùng khác như Oklahoma Board of Career and Technology Education và Puerto Rico State Agency for the Approval of Public Postsecondary Vocational, Technical Institutions and Programs.
Sinh viên có bằng/tín chỉ học phần từ những trường có chứng chỉ vùng sẽ có thuận lợi khi chuyển sang trường khác hoặc học lên cao hơn. Họ cũng được phép vay tiền học từ chính phủ Mỹ và không gặp khó khăn gì khi ứng thi các chứng chỉ hành nghề chuyên môn sau khi tốt nghiệp.
Theo báo Tuổi Trẻ, từ tháng 2/1995 đến 9/1998, ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - học cử nhân Quản trị Kinh doanh trường Humber College, Canada.
Từ tháng 3/2001 đến 9/2002, ông Xuân Anh học thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, trường California Southern University (Mỹ).
Cũng từ trường California Southern University, từ tháng 3/2005 đến 12/2006, ông Nguyễn Xuân Anh lấy bằng tiến sĩ hệ chính quy, chuyên ngành Quản trị Kinh doanh.
ĐH California Southern có chứng chỉ quốc gia năm 2010 và chứng chỉ vùng năm 2015.
Chứng chỉ chất lượng quốc gia (National Accreditation): Tuy có chữ “quốc gia”, chứng chỉ này không được coi trọng bằng chứng chỉ vùng, thường cấp cho các trường đại học từ xa, trường tôn giáo, hay trường dạy nghề.
Một số tổ chức chứng chỉ quốc gia là Accrediting Commission of Career Schools and Colleges, Association for Biblical Higher Education - Commission on Accreditation và Distance Education Accrediting Commission.
Sinh viên học ở các trường có chứng chỉ quốc gia được phép vay tiền học từ chính phủ Mỹ. Một số trường và một số ngành nghề không chấp nhận bằng/tín chỉ từ các trường chỉ có chứng chỉ quốc gia. Chứng chỉ quốc gia thường được coi là một bước khởi đầu của một số trường mới thành lập để tiến tới đạt được chứng chỉ vùng.
Chứng chỉ chất lượng ngành: Nhiều ngành có hệ thống cấp chứng chỉ riêng ví dụ ngành quản trị (AACSB), công nghệ (ABET), điều dưỡng (CCNE và ACEN), dược (ACPE)...
Chứng chỉ ngành cấp cho một trường ngành (college) trong một đại học tổng hợp (university) nhằm kiểm soát chất lượng chuyên môn thuộc một ngành nghề/trường nghề nhất định bởi một hội đoàn chuyên môn.
Sinh viên học từ các trường không có chứng chỉ ngành có thể không được phép thi chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ chất lượng ngành chỉ được cấp cho các trường đã có chứng chỉ vùng hoặc quốc gia.
Chứng chỉ STEM của Sở di trú Mỹ: Trong những năm gần đây, Mỹ ưu tiên sinh viên nước ngoài học các ngành STEM khi họ kiếm được việc làm ở đất nước này bằng cách cho phép thực tập sau tốt nghiệp dài đến 3 năm thay vì một năm như thông thường.
Để được thực tập 3 năm, sinh viên phải tốt nghiệp từ các ngành có chứng chỉ STEM từ Sở di trú Mỹ. Để có chứng chỉ này các chương trình đại học phải có một hàm lượng toán, công nghệ và khoa học nhất định trong giáo trình.
Để thu hút sinh viên nước ngoài nhiều trường đã “STEM hóa” nhiều ngành xã hội, bao gồm giáo dục, hệ thống thông tin doanh nghiệp, tài chính, tâm lý…
Ông Đinh Công Bằng từng là nghiên cứu sinh ở Đại học bang Florida (Mỹ). Hiện, ông Bằng là chuyên viên công nghệ thông tin của chính phủ Mỹ ở Florida.
Trong nhiều năm, ông đã hỗ trợ sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Mỹ về lựa chọn trường, ngành nghề, tìm việc và định cư ở Mỹ sau khi tốt nghiệp.
Ông Bằng từng làm việc trong các dự án chính phủ tại Việt Nam và Mỹ, từng là admin của mạng VietPhD.org, nơi chia sẻ thông tin cơ hội học sau đại học ở nước ngoài.