Sáng 11/5, trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Tuyển sinh, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết nhà trường sẽ thực hiện chiến dịch giảm thiểu rác thải nhựa. Mở đầu của chiến dịch là lễ phát động chương trình "Nói không với việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần" diễn ra sáng nay.
Theo ông Sơn, ngày 9/5, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM ra thông báo yêu cầu toàn thể giảng viên, sinh viên, cán bộ nhân viên không sử dụng những vật dụng làm từ nhựa sử dụng một lần, có hại cho môi trường.
Thùng rác được bố trí nhiều nơi nhằm hình thành thói quen bỏ rác đúng nơi quy định của người trẻ. Ảnh: ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. |
Bước đầu, phương án của nhà trường là vận động và tuyên truyền liên tục, đồng thời cấm một số vật dụng được làm từ nhựa sử dụng một lần trong lớp học, phòng họp, các chương trình.
"Do biết rằng sẽ khó khăn trong việc thực hiện, chương trình chỉ mới cấm 2 loại đồ dùng phổ biến nhưng dễ thay thế là ly nhựa và ống hút nhựa", ông Sơn nói.
Theo đó, ly nhựa sử dụng một lần sẽ thay thế bởi ly làm bằng nhựa sử dụng lâu dài, inox, sứ. Ống hút được thay bằng ống hút cỏ do sinh viên trường chế tạo.
Giai đoạn đầu, nhà trường bố trí một số ly tặng cho sinh viên quên đem theo, đồng thời bố trí thùng rác phân loại rác thải trong sân với mục đích xây dựng cho sinh viên thói quen "thấy rác nhặt ngay, gìn giữ môi trường xanh".
Ông Sơn cũng cho rằng nhà trường gặp khó khăn trong việc thực hiện và duy trì chiến dịch, mặc dù hiện tại sinh viên cảm thấy hào hứng. Vì thế, bên cạnh kêu gọi, tuyên truyền, nhà trường cũng áp dụng tính điểm thi đua, trừ điểm thi đua khi các bạn sinh viên vi phạm.
"Quy định để tạo sức ép cho sinh viên. Thời gian đầu, các bạn sẽ thấy bất tiện và phản đối nhưng dần dần, ý thức được thiết lập", ông Sơn nói.
Ông cũng cho rằng ý thức của sinh viên ngày càng tốt, hiểu được các vấn đề về môi trường, cũng như tác hại của rác thải nhựa đối với hệ sinh thái.
Theo kế hoạch, vào tháng sáu, trường sẽ tiếp tục chiến dịch 5S gồm sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng. Sinh viên sẽ phân tổ để triển khai các hoạt động 5S, làm sạch, giữ sạch khu vực do mình quản lý.