Từ 1/1/2017, Bộ LĐ-TB&XH bắt đầu quản lý nhà nước lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường sư phạm, ngành đào tạo giáo viên). Chức năng quản lý nhà nước đối với 201 trường cao đẳng, 303 trường trung cấp chuyên nghiệp; hồ sơ quản lý về giáo dục nghề nghiệp; các đề án, dự án về giáo dục nghề nghiệp; nhiệm vụ xây dựng và thực hiện đề án cũng như nhân sự Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (thuộc Bộ GD&ĐT) đã được chuyển giao cho Bộ LĐ-TB&XH.
Trước đó từ năm 2015, Bộ GD&ĐT đã có thông tư yêu cầu các trường ĐH có tuyển sinh và đào tạo hệ CĐ giảm 20% chỉ tiêu mỗi năm, để đến năm 2020 không còn bậc học này trong trường ĐH. Thực hiện thông tư này, nhiều trường đã chủ động ngừng tuyển sinh từ năm nay hoặc trước đó. Hiện nay, một số trường cũng đã thông báo sẽ không tuyển hệ này cho năm 2020.
Các trường ĐH sẽ ngừng tuyển sinh CĐ từ 2020. Ảnh: A.T. |
Đại diện phòng tuyển sinh của một trường ĐH tại TP.HCM cho biết, trước đây trường đào tạo hệ CĐ khá lớn với 15-18 ngành, tùy nhu cầu mỗi năm. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, học sinh vào trường có xu hướng chọn hệ ĐH hơn, số lượng tuyển sinh cho hệ CĐ ngày càng thu hẹp, thậm chí một số ngành không có người học. Do đó, trường chủ trương không tuyển hệ CĐ nữa để tập trung đào tạo hệ ĐH sao cho chất lượng.
Thực tế cho thấy, một trường ĐH cùng sử dụng cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên để đào tạo cả 2 bậc học mà không tính đến việc quy đổi, không tính đến vấn đề tải trọng sẽ khó đảm bảo chất lượng. Do đó, việc giảm và tiến tới ngừng tuyển sinh hệ CĐ trong các trường ĐH là điều cần thiết.
Thêm vào đó, mỗi bậc đào tạo lại có nhiệm vụ và phương thức giảng dạy khác nhau, phục vụ nhu cầu nhân lực khác nhau. Trong khi trường ĐH đào tạo vẫn theo hướng lý thuyết hàn lâm, thì các trường CĐ chú trọng thực hành theo hướng ứng dụng, với thời lượng lên tới 70% chương trình. Cũng từ đặc thù này, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng có cơ hội làm quen và nhanh bắt nhịp hơn với thị trường lao động.
Sinh viên CĐ có nhiều thời gian thực hành hơn. |
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân từng khẳng định: “Chúng tôi cho rằng dạy nghề có đặc thù riêng. Quy định về cơ sở vật chất, giáo viên cũng khác so với ĐH. Cũng cần nói thêm, hệ thống gần 400 trường CĐ đang được tái cấu trúc và đầu tư, đủ năng lực tiếp nhận và đào tạo đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của người học có nguyện vọng, với đầy đủ ngành nghề mà ĐH đang tổ chức”.
Việc giảm và tiến tới ngừng đào tạo CĐ trong trường ĐH không phải vì cạnh tranh nguồn tuyển. Nhưng ĐH và CĐ cần tách bạch quản trị, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn giảng viên, điều kiện đảm bảo chất lượng... để đáp ứng từng phân khúc. Từ đây, nguồn tuyển của giáo dục nghề nghiệp sẽ được mở rộng hơn chứ không chỉ từ nguồn cạnh tranh trực tiếp với giáo dục ĐH.
Ở chiều ngược lại, ngoài các chính sách chung, mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần đầu tư chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất để thu hút nhiều người học.
Chất lượng là yếu tố quyết định để thu hút học viên vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. |
Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), 6 tháng đầu năm nay, công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhiều khởi sắc, nhiều trường CĐ tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Cụ thể, ước tuyển sinh 6 tháng đầu năm khoảng 1,081 triệu người, đạt 48% kế hoạch. Trong đó, trình độ CĐ, trung cấp khoảng 112.000 người.
Hiện tại, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vẫn rà soát công tác chuyên môn, triển khai các giải pháp đồng bộ để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019 với số lượng tuyển sinh dự kiến là 2,26 triệu người. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động gắn kết với doanh nghiệp và giáo dục nghề với thị trường lao động, việc làm bền vững.
Bình luận