Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Một trong những điểm mới được đưa vào trong dự thảo là cho phép các cơ sở giáo dục ĐH được thành lập doanh nghiệp, công ty.
Theo giải thích của Bộ GD&ĐT, mục đích của việc làm này là thúc đẩy nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tế là chính chứ không phải kinh doanh.
Nhà khoa học nói gì?
Hơn 30 năm nghiên cứu trong lĩnh vực y học, PGS.TS Nguyễn Thị Bình, ĐH Y Hà Nội, cho rằng việc Bộ GD&ĐT đề cập trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH cho phép các cơ sở giáo dục ĐH được thành lập doanh nghiệp, công ty sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà khoa học.
Nhà khoa học Nguyễn Thị Bình. Ảnh: VOV. |
Bởi hiện nay, có tình trạng trường ĐH Y nào đó nghiên cứu ra phương pháp điều trị mới mà muốn công trình khoa học của mình được ứng dụng ở các bệnh viện thì đều phải được sự đồng ý của các khoa, bác sĩ trong từng bệnh viện. Các nhà khoa học phải làm nhiều loại thủ tục, giấy tờ gửi lên các cấp, bộ ngành phê duyệt mới được bệnh viện, công ty áp dụng phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân.
“Các nhà khoa học là những người nghiên cứu, làm công tác chuyên môn. Việc làm ra sản phẩm rồi lại đi mời chào đối tác sử dụng sản phẩm của mình không phải sở trường, khả năng của họ. Các trường ĐH được thành lập doanh nghiệp, công ty thì sẽ thực hiện những việc trên. Nhà khoa học không mất thời gian nhiều vào những thủ tục rườm rà mà tập trung hơn vào công tác chuyên môn”, PGS.TS Nguyễn Thị Bình chia sẻ.
Ngoài ra, các trường ĐH đang có tình trạng mỗi khoa, bộ môn thích nghiên cứu gì thì nghiên cứu, chưa có sự định hướng nghiên cứu theo nhu cầu thị trường một cách rõ ràng.
Vì vậy, việc cho phép các trường ĐH thành lập doanh nghiệp, công ty sẽ là đầu mối liên kết với các tập đoàn, công ty khác, xem thị trường, người dân đang cần những sản phẩm gì để đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu.
Điều này sẽ giảm đáng kể tình trạng nhiều công trình nghiên cứu bị “đắp chiếu” vì không được quan tâm để phát triển hoặc không đáp ứng được yêu cầu thị trường. Đây là sự lãng phí rất lớn cho ngân sách Nhà nước.
Theo nhà khoa học Nguyễn Thị Bình, hiện nay, trường ĐH hỗ trợ cho các nhà khoa học nghiên cứu còn rất eo hẹp, khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng/người. Việc nghiên cứu khoa học vẫn dựa trên nhu cầu hướng dẫn cho học viên, chứ chưa thể đáp ứng được yêu cầu xã hội. Như vậy, các nhà khoa học chưa thể “sống” được bằng những nghiên cứu của mình.
Các trường ĐH được thành lập công ty, doanh nghiệp cũng sẽ là đầu mối liên kết với các tập đoàn, công ty, thị trường, người dân hỗ trợ kinh phí gấp nhiều lần mà các trường ĐH đang cấp cho nhà khoa học hiện nay. Có như vậy, các nhà khoa học mới có thể “sống” được bằng nghề, giảm tình trạng công trình “đắp chiếu”, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Nên hoạt động không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước
Trước việc các trường ĐH có thể được thành lập công ty, doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng sẽ làm cồng kềnh thêm bộ máy nhân sự. Một trường ĐH sẽ có thêm nhiều bộ phận, nhân viên kèm theo đó là tăng ngân sách của Nhà nước khi phải chi trả lương.
PGS.TS Nguyễn Sum. Ảnh: VOV. |
Về băn khoăn này, nhà khoa học Nguyễn Thị Bình cho rằng các trường ĐH được thành lập doanh nghiệp, công ty nhưng mô hình hoạt động nên theo hướng tự chủ, không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước cấp.
Các nhân viên làm việc sẽ do công ty, doanh nghiệp tuyển chọn, trả lương theo thỏa thuận. Như vậy, họ sẽ tìm kiếm được những nhân viên có năng lực, trình độ thực sự.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Sum, ĐH Quy Nhơn, nói các trường ĐH có thể tạo điều kiện về cơ sở vật chất để công ty, doanh nghiệp hoạt động ở trong trường.
Tuy nhiên, nhất thiết các công ty và doanh nghiệp ở các trường ĐH phải hoạt động độc lập về tài chính với trường ĐH. Còn nhân viên làm việc không nhất thiết phải nằm trong biên chế của trường ĐH vì như vậy, họ sẽ làm việc không hiệu quả, bị phụ thuộc rất lớn vào quyết định của hiệu trưởng trường ĐH.
Bên cạnh mặt tích cực, việc thành lập công ty, doanh nghiệp trong trường ĐH có thể xảy ra sự bất cập nếu họ hoạt động không hiệu quả, đúng mục đích.
Để khắc phục bất cập trên, theo PGS.TS Nguyễn Sum, Bộ GD&ĐT có thể cho các công ty, doanh nghiệp hoạt động độc lập, có con dấu, tài khoản riêng nhưng cũng có quy định trách nhiệm rõ ràng, phải có cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động của họ.
Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Thị Hà, Phó trưởng khoa Hóa thực vật, Viện Dược liệu, cho rằng có thể lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp là người nằm trong biên chế của trường ĐH; còn các nhân viên là thuộc thẩm quyền tuyển dụng của công ty, doanh nghiệp. Như vậy, biên chế nhân sự sẽ không bị “phình to” mà các công ty vẫn hoạt động có trách nhiệm dưới sự kiểm soát của trường ĐH.
Ngoài ra, các trường ĐH cũng cần tạo điều kiện về mọi mặt để các nhà nghiên cứu khoa học có thể nghiên cứu sản phẩm theo đơn đặt hàng của thị trường.