Tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho ba cơ sở Hà Nội, TP.HCM và Quảng Ninh là 4.050, tăng nhẹ so với mức 3.990 của năm ngoái.
Năm 2022, trường bắt đầu tuyển sinh các chương trình đào tạo thích ứng với bối cảnh của nền kinh tế số, bao gồm Marketing số (tuyển sinh tại trụ sở chính Hà Nội) và Truyền thông Marketing tích hợp (tuyển sinh tại Cơ sở II - TP.HCM) thuộc ngành Marketing và chương trình Kinh doanh số thuộc ngành Kinh doanh quốc tế (tuyển sinh tại trụ sở chính Hà Nội).
Năm 2022, ĐH Ngoại thương tuyển sinh một số chương trình liên quan đến chuyển đổi số. Ảnh: FTU. |
Đại học Ngoại thương giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh như năm 2021:
Phương thức xét học bạ bậc THPT nếu học sinh thuộc một trong ba nhóm: tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; là học sinh trường chuyên.
Phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và học bạ dành cho thí sinh hệ chuyên và không chuyên hoặc kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với SAT, ACT, A-Level. Trường cũng xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Hai phương thức này chỉ áp dụng cho các chương trình dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.
Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, áp dụng cho chương trình tiêu chuẩn và định hướng nghề nghiệp quốc tế.
Một số chương trình chuẩn của trường căn cứ vào kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức trong năm 2022 để tuyển sinh.
Phương thức cuối cùng, trường dành một chỉ tiêu xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Thời gian xét tuyển phương thức 4 - dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Các phương thức tuyển sinh khác của trường sẽ được thực hiện trên hệ thống tuyển sinh trực tuyến của trường, dự kiến bắt đầu từ tháng 5/2022.