ĐH Quốc gia Hà Nội dẫn đầu 2 năm liên tiếp trong xếp hạng đại học Việt Nam. Ảnh: VNU. |
Ngày 19/1, Xếp hạng Đại học Việt Nam (VNUR) năm 2024 chính thức được công bố. Năm nay, xếp hạng có sự góp mặt của 193 trường, trong đó 83% trường là trường công lập và 17% còn lại là các cơ sở giáo dục đại học tư thục.
Một trường tăng đến 52 bậc
So với xếp hạng 2023, 6 vị trí đầu không có gì thay đổi, đứng đầu vẫn là ĐH Quốc gia Hà Nội, theo sau đó là ĐH Quốc gia TP.HCM. Các vị trí tiếp theo lần lượt là ĐH Tôn Đức Thắng (hạng 3), ĐH Bách khoa Hà Nội (hạng 4), ĐH Duy Tân (hạng 5), ĐH Kinh tế TP.HCM (hạng 6).
Top 10 của xếp hạng 2024 ghi nhận sự sụt giảm thứ hạng của ĐH Cần Thơ khi rơi từ vị trí thứ 7 xuống vị trí thứ 9. Trong khi đó, ĐH Thương Mại lại vươn lên từ vị trí 34 trong năm 2023 lên vị trí số 8 trong năm nay. ĐH Sư phạm Hà Nội cũng tăng hạng nhẹ, từ hạng 8 lên hạng 7.
6 cơ sở giáo dục đại học top đầu không thay đổi thứ hạng. |
Một trường bị rơi khỏi top 10 của xếp hạng 2024 là ĐH Huế. Năm 2023, trường xếp hạng 10 cả nước nhưng năm nay lại được đánh giá ở vị trí 12.
Theo VNUR, năm 2024 ghi nhận 36 cơ sở giáo dục đại học tăng hạng, trường tăng hạng nhiều nhất là ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội với mức tăng 52 bậc.
Trong khi đó, nhiều trường lại rớt hạng, tổng cộng 41 cơ sở giáo dục đại học không giữ được vị trí và trường có mức rớt hạng cao nhất lên đến 42 bậc.
Cũng trong năm 2024, hàng loạt trường đại học mới gia nhập top 100 của VNUR và cũng rất nhiều trường bị loại khỏi top 100.
Cụ thể, tổng cộng 16 cơ sở giáo dục đại học không có mặt trong top 100 năm 2023 nay đã gia nhập top 100 năm 2024 và thứ hạng trải dài trong khoảng 45-100. Trong đó, ĐH Nha Trang có bước chuyển mình mạnh nhất khi tăng 63 bậc để vào top 100.
Còn về những trường rời khỏi top 100, tổng cộng 16 trường không thể giữ được vị trí trong danh sách này. Trong năm 2023, thứ hạng của những trường này nằm trong khoảng 65-100.
Khi xét theo vùng kinh tế, số lượng cơ sở đại học trong top 100 năm 2024 không có nhiều thay đổi. Những trường có thứ hạng cao vẫn tập trung nhiều ở vùng Đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam Bộ.
Ngoài ra, Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long giữ nguyên số cơ sở giáo dục có mặt trong top 100 so với xếp hạng 2023 còn khu vực Đông Nam bộ giảm 4 trường. Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung bộ, Trung du và Miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long đều tăng một trường trong top 100.
Dưới góc độ nhóm ngành đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học đa ngành vẫn chiếm ưu thế với 49% trường nằm trong top 100. Nhóm các ngành Hành chính, Nông lâm, Pháp luật, Sư phạm, Văn hóa, Nghệ thuật có biến đổi nhẹ so với năm 2023.
VNUR thay đổi một số tiêu chí khi đánh giá các trường đại học. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Thay đổi tiêu chí để đánh giá khách quan hơn
Theo VNUR, bộ tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá xếp hạng 2024 gồm 6 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí. So với đánh giá năm 2023, xếp hạng 2024 vẫn giữ nguyên một số tiêu chuẩn và điều chỉnh, bổ sung một số nội dung khác.
Ví dụ như với tiêu chuẩn 3 là Công bố bài báo khoa học, VNUR 2023 chỉ dùng cơ sở dữ liệu của WOS nhưng VNUR 2024 dùng thêm cơ sở dữ liệu của SCOPUS.
Hay với tiêu chuẩn 4 là Nhiệm vụ khoa học công nghệ và sáng chế, xếp hạng 2023 chỉ có 2 tiêu chí. Xếp hạng 2024 đã bổ sung tiêu chí "tạp chí khoa học uy tín".
Tiêu chí này thống kê các tạp chí khoa học của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam xuất bản dựa trên cơ sở dữ liệu của Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố năm 2023. Như vậy, tiêu chuẩn 4 là Nhiệm vụ khoa học công nghệ và sáng chế trong năm 2024 sẽ gồm các tiêu chí 12, 13 và 14 với trọng số tương ứng là 6%, 3% và 1%.
Ngoài ra, tiêu chuẩn 6 là Cơ sở vật chất cũng có thay đổi trong năm 2024. Cụ thể là tiêu chí về số lượng e-books, số lượng sách in, số lượng nguồn cơ sở dữ liệu (CSDL) của năm 2023 được điều chỉnh thành tiêu chí số lượng CSDL tài liệu điện tử bản quyền.
Tiêu chí này thống kê số lượng các CSDL tài liệu điện tử mà các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã mua bản quyền được công bố trong thời hạn 5 năm cho đến thời điểm tháng 6/2023. Tiêu chí mới này tăng cường tính chính xác, tính khách quan của thống kê và chú trọng bản quyền cơ sở dữ liệu.
Bộ 6 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí của VNUR bạn có thể tham khảo theo bảng sau.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.