Kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT vừa công bố cho thấy, công tác giao dự toán ngân sách năm 2011 cho các đơn vị thuộc ĐH Thái Nguyên được triển khai chưa kịp thời, giao nhiều lần trong năm là không đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Tại các trường thành viên, sai phạm chủ yếu liên quan thu chi.
Cụ thể, ĐH Nông Lâm thu chưa đúng quy định tổng số tiền trên 10 tỷ đồng. ĐH Y dược Thái Nguyên thu vượt quy định kinh phí đào tạo hệ liên kết gần 65 tỷ đồng. ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh thu không đúng quy định trên 3 tỷ đồng. ĐH Sư phạm thu sai hơn 26 tỷ đồng.
Trung tâm đào tạo từ xa, theo báo cáo của thanh tra Bộ GD&ĐT, thu ngoài quy định tiền hỗ trợ khai giảng trên 200 triệu đồng (năm 2013).
ĐH Thái Nguyên. Ảnh: Trang web ĐH Thái Nguyên. |
Về đào tạo, theo kết luận của thanh tra Bộ GD&ĐT, quy định để chi tiết hóa các quy chế đào tạo của ĐH Thái Nguyên còn sơ sài, đặc biệt là quy định về quản lý hồ sơ văn bằng chứng chỉ sai hỏng, sau khi đã hủy.
ĐH Thái Nguyên cho phép ĐH Sư phạm đào tạo ngành tiếng Anh trình độ ĐH khi chưa có đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Từ năm 2013, ĐH Thái Nguyên ban hành quyết định cho phép thực hiện chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài vẫn căn cứ trên các quy định cũ là chưa đúng quy định.
Việc phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh và kết quả thực hiện chỉ tiêu của trường cho các đơn vị thành viên chưa hợp lý, đặc biệt ngành Quản lý giáo dục, trình độ thạc sĩ.
ĐH Thái Nguyên chưa có văn bản cụ thể phân bổ chỉ tiêu đào tạo trình độ thạc sĩ và nghiên cứu sinh cho từng đơn vị thành viên trước khi tổ chức tuyển sinh.
Năm 2011, tuyển sinh hệ văn bằng 2, liên thông, vừa học vừa làm của ĐH Thái Nguyên vượt 20% chỉ tiêu được giao. Năm 2013, ĐH chính quy tuyển sinh vượt 5% so với chỉ tiêu được giao, ĐH từ xa vượt 7%, thạc sĩ vượt 16,55%. Ngành Bác sĩ nội trúng tuyển vượt 90,8% so với chỉ tiêu được giao.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, ĐH Thái Nguyên thông báo tuyển nghiên cứu sinh thiếu danh mục. Đề án phê duyệt các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài sơ sài, không quy định rõ kế hoạch thực hiện, thời gian liên kết.
Ngoài ra, việc đào tạo liên kết của ĐH Sư phạm với Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Phú Thọ và trường CĐ Mỏ Hồng Cẩm, chương trình được phê duyệt 3 năm nhưng thực tế chỉ học 4 học kỳ hè, mỗi học kỳ 3 tháng, chưa đảm bảo theo thông báo tuyển sinh.
Liên kết liên thông ngành Dược giữa ĐH Y dược và ĐH Y dược Hải Phòng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là đối tượng tuyển sinh.
Trước những sai phạm của ĐH Thái Nguyên, thanh tra Bộ GD&ĐT yêu cầu trường rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành văn bản quản lý thuộc thẩm quyền theo đúng quy định...
Bộ GD&ĐT giao Vụ tổ chức Cán bộ tham mưu, xem xét việc xử lý trách nhiệm của Giám đốc, Phó giám đốc ĐH Thái Nguyên và thủ trưởng các đơn vị liên quan trong việc để xảy ra các hạn chế, thiếu sót, sai phạm đã được nêu trong kết luận của thanh tra.