Theo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, hai cơ sở giáo dục đại học "cá biệt" không hợp tác để các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc thẩm định và xác nhận điều kiện đảm bảo chất lượng là ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và ĐH Tôn Đức Thắng.
Một tuần, hai đợt kiểm tra cùng nội dung
Trả lời Zing.vn ngày 2/12, TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý và Phát triển Công nghệ - người phụ trách về kiểm định quốc tế của ĐH Tôn Đức Thắng - cho rằng nhà trường chưa nhận được kết luận về việc “không hợp tác” kiểm định của Bộ GD&ĐT nhưng đã biết thông tin này trên báo chí.
Ông Út nêu quan điểm Bộ GD&ĐT kết luận nhà trường cá biệt không hợp tác kiểm định chất lượng tạo ra dư luận không tốt.
Sáng 15/7, ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) đưa vào hoạt động Thư viện Truyền cảm hứng nằm trong khuôn viên trường, tổng vốn đầu tư 129 tỷ đồng. Đây là thư viện được đánh giá hiện đại nhất ở Sài Gòn. Ảnh: Lê Quân. |
TS Lê Văn Út cho hay một tuần trước khi đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT về trường thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục của ĐH Tôn Đức Thắng, có một đoàn thanh tra Bộ GD&ĐT làm việc về nội dung này.
Điều đáng nói nội dung của hai đợt kiểm tra giống nhau, bao gồm diện tích đất, sàn xây dựng; thư viện, trung tâm học liệu; quy mô sinh viên, đội ngũ giảng viên cơ hữu. Thậm chí, đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT có nội dung kiểm tra phong phú hơn, kết quả đều tốt đẹp.
“ĐH Tôn Đức Thắng đã báo cáo Bộ GD&ĐT về việc nếu cần có thể sử dụng lại kết quả của đoàn thanh tra. Không thể nào trong vòng 1,2 tuần phải kiểm tra nhà trường hai lần”, TS Lê Văn Út nói.
Nói về chất lượng của việc kiểm định trong nước, ông Út cho rằng: “Chúng tôi không từ chối kiểm định, nhưng thực chất đó có phải kiểm định không hay chỉ là kiểm tra các cơ sở tối thiểu? Tại sao 208 cơ sở kiểm định đều đạt chất lượng thì chúng ta còn thực hiện việc đó làm gì? Thực tế, tôi đảm bảo một điều chắc chắn là nhiều cơ sở đại học chưa đảm bảo chất lượng”.
Người phụ trách kiểm định quốc tế nhà trường nêu quan điểm: Tại sao Bộ GD&ĐT không tiến hành các bộ tiêu chí đúng nghĩa về đào tạo và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, việc làm của sinh viên, năng lực - nghiên cứu khoa học của giảng viên.
Ngoài ra, TS Lê Văn Út nghi ngờ năng lực của các trung tâm kiểm định thuộc nhà trường ở trong nước: “Một trường xếp hạng tốt mà để một trường thấp hơn hay chậm phát triển kiểm định, đánh giá thì liệu có chấp nhận được không?".
Nhà trường tiến hành kiểm định nước ngoài theo tiêu chí quốc tế và khách quan. Theo đó, sự uy tín của các tổ chức sẽ cho biết trường đại học đang nằm ở vị trí nào.
Cũng theo ông Út, năm 2014, ĐH Tôn Đức Thắng được công nhận xếp hạng quốc tế 3 sao (trên 5 sao) của Tổ chức QS World University Ratings (Anh). Trong bảng xếp hạng 49 đại học Việt Nam do nhóm chuyên gia nghiên cứu độc lập công bố đầu tháng 9, trường xếp thứ hai. Nhà trường đang thực hiện kiểm định bởi HCERES - một tổ chức kiểm định uy tín được công nhận bởi Hiệp hội đảm bảo chất lượng châu Âu và kiểm định AUN-QA.
ĐH Kinh doanh Công nghệ ‘phản bác’ kết luận không hợp tác kiểm định
GS Đinh Văn Tiến - Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh Công nghệ - khẳng định không có chuyện trường không hợp tác để các trung tâm kiểm định chất lượng thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng như thông báo của Bộ GD&ĐT.
Cụ thể, từ tháng 3/2017, trường đã thành lập hội đồng tự đánh giá và đảm bảo chất lượng thực hiện đánh giá nội bộ, chuẩn bị các bước cho thực hiện đánh giá bởi các tổ chức kiểm định độc lập bên ngoài.
ĐH Kinh doanh và Công nghệ. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Ngày 27/6, Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT có công văn gửi đến nhà trường yêu cầu trường phối hợp trung tâm kiểm định là ĐH Đà Nẵng để thẩm định, hoàn tất trước ngày 30/6. Tuy nhiên, đúng thời gian này, trường đang kiểm định nội bộ, nên chưa thể thực hiện đánh giá ngoài ngay.
Sau đó, trường đã có văn bản gửi Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục ĐH Đà Nẵng và Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, thông báo trường đang chuẩn bị tự đánh giá theo tiêu chuẩn, tiêu chí mới của bộ theo Thông tư 12 ban hành trong năm 2017 và sẽ mời tổ chức đánh giá ngoài vào năm 2018 như quy định.
Ông Tiến nêu quan điểm trường có quyền chọn trung tâm kiểm định phù hợp hơn, cụ thể là một ĐH uy tín ở Hà Nội như ĐH Quốc gia Hà Nội thay cho ĐH Đà Nẵng.
Thông tin từ Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết đến ngày 30/6, 208 cơ sở giáo dục đại học được thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017. Cá biệt, 2 cơ sở giáo dục đại học không hợp tác để thực hiện thẩm định là ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Kinh doanh Công nghệ.
Bốn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm: Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội; Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục - ĐH Đà Nẵng và Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục - ĐH Quốc gia TP.HCM.
Các tổ chức này đã tiến hành công tác thẩm định và xác nhận những điều kiện đảm bảo chất lượng chính (diện tích đất, sàn xây dựng; thư viện, trung tâm học liệu; quy mô sinh viên, đội ngũ giảng viên cơ hữu) đối với các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.