Cũng theo kết luận thanh tra do thanh tra Bộ GD&ĐT vừa công bố, bên cạnh những thiếu sót, sai phạm của ĐH Y dược TP HCM về tự ý liên kết đào tạo; cho phép các sinh viên hết thời gian tối đa được phép học, học lại, thi lại tốt nghiệp không đúng quy định…, trường này còn nhiều thiếu sót khác.
Tuyển sinh liên thông: Đào tạo trước, đăng ký sau
Kết quả kiểm tra, xác minh về việc tuyển sinh liên thông của ĐH Y dược TP HCM cho thấy nhà trường thực hiện tuyển sinh, đào tạo liên thông (trước đây gọi là chuyên tu) từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp lên trình độ ĐH từ trước khi có thông tư 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25/12/2012 của Bộ trưởng GD&ĐT quy định về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH.
Hệ đào tạo liên thông hiện nay vốn là đào tạo chuyên tu được trường thực hiện từ năm 1976. Đào tạo chuyên tu từ y sĩ lên bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học cổ truyền, dược sĩ ĐH. Từ năm 1985, nhà trường được Bộ Y tế giao chỉ tiêu đào tạo hệ tại chức thêm các ngành kỹ thuật y học, kỹ thuật xét nghiệm, vật lý trị liệu.
Trường chưa thực hiện thủ tục đăng ký đào tạo liên thông gửi Bộ GD&ĐT khi thông tư 55/2012 có hiệu lực theo quy định.
Theo giải trình của trường, “trường đang chuẩn bị các hồ sơ xin đăng ký với Bộ GD&ĐT để được tiếp tục đào tạo liên thông trình độ ĐH từ năm 2016”.
ĐH Y dược TP HCM có nhiều thiếu sót, sai phạm trong công tác quản lý đào tạo. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Năm 2015, trường tuyển sinh, đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp lên trình độ ĐH: 242 sinh viên hệ chính quy các ngành dược học, y học cổ truyền; 141 sinh viên hệ vừa làm vừa học các ngành điều dưỡng, xét nghiệm y học, phục hồi chức năng, kỹ thuật y học.
Bên cạnh đó, trường lưu giữ không đầy đủ hồ sơ quản lý đào tạo theo đúng quy định. Hồ sơ quản lý giảng dạy còn thiếu sót như: sổ theo dõi giảng dạy không có đủ xác nhận của giảng viên (khoa dược, khoa răng hàm mặt, khoa y).
Thời gian tổ chức đào tạo chưa đúng quy định (khoa dược lớp văn bằng 2 khóa 2011-2015 có thời gian học từ 17h đến 19h30 các ngày trong tuần và thứ bảy, chủ nhật).
Lấy phôi bằng liên thông cấp cho loại hình tốt nghiệp chuyên tu
Cá biệt, trường không kịp thời cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên N.Q.P. dẫn đến việc sử dụng phôi bằng thời kỳ đào tạo liên thông cho loại hình tốt nghiệp chuyên tu. Sinh viên N.Q.P. được công nhận tốt nghiệp theo quyết định ngày 20/2/1998 khóa CT94-1994, chuyên ngành y đa khoa, hệ chuyên tu, do bị kỷ luật nên bị lưu bằng nhưng không thực hiện việc in phôi văn bằng của sinh viên này tại thời điểm sinh viên tốt nghiệp nên đến năm 2014 trường đã sử dụng phôi bằng (số hiệu 021371) để cấp cho N.Q.P. nội dung ghi trên bằng không đúng quy định.
Tuyển sinh, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ “cũng có vấn đề”
Kiểm tra hồ sơ tuyển sinh, trong số 116 thí sinh dự thi thạc sĩ được miễn thi ngoại ngữ, có bốn trường hợp hồ sơ chỉ có giấy xác nhận kết quả thi TOEFL IPT của Công ty cổ phần IIG Việt Nam.
Nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo quy định nhưng chưa tổ chức thẩm định chương trình theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Nhà trường chưa tổ chức biên soạn, lựa chọn giáo trình trong chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định.
Kiểm tra xác suất bốn hồ sơ nghiên cứu sinh cho thấy những hồ sơ này đều không có kế hoạch nghiên cứu của nghiên cứu sinh được thông qua tập thể cán bộ hướng dẫn, không có báo cáo tiến độ, kết quả nghiên cứu 6 tháng, hằng năm theo quy định; các nghiên cứu sinh này đều bảo vệ quá hạn…
Kiểm điểm trách nhiệm người đã về hưu?
Trong các thiếu sót, sai phạm được nêu ra trong kết luận thanh tra diễn ra từ nhiều năm về trước, vì thế tại buổi công bố kết luận này lãnh đạo ĐH Y dược TP HCM đã tỏ ra băn khoăn trong việc xử lý những vấn đề này.
PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, thắc mắc: “Việc xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân cần thực hiện cụ thể như thế nào? Đặc biệt là kiểm điểm trách nhiệm đối với những trường hợp đã nghỉ hưu?”.
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, yêu cầu trường cần xây dựng kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra, bám sát các nhóm vấn đề đã kiến nghị theo hướng khắc phục hậu quả; tập trung rà soát sửa đổi bổ sung các văn bản theo thẩm quyền. Đồng thời quan tâm thành lập bộ phận thanh tra giúp hiệu trưởng thực hiện tự thanh tra, kiểm tra theo quy định.
“Về kiểm điểm xử lý trách nhiệm, cần xem xét cụ thể các thiếu sót, sai phạm nêu trong kết luận thanh tra thuộc trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân trong từng thời kỳ cụ thể đối chiếu với quy định để xem xét. Việc kiểm điểm trách nhiệm ban giám hiệu thuộc thẩm quyền của bộ trưởng Bộ Y tế, những cá nhân khác thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng, các trường hợp đã nghỉ hưu, cân nhắc cho phù hợp” - ông Bằng nói.
Trong khi đó, GS.TS Lê Quan Nghiệm, nguyên Phó hiệu trưởng nhà trường, dù thống nhất kết luận của thanh tra Bộ GD&ĐT nhưng cũng băn khoăn “việc chuẩn hóa hoạt động liên kết đào tạo tại Đà Nẵng và Tây nguyên vì hiện nay đã kết thúc hoạt động liên kết đào tạo”.
Về việc này, bà Đặng Thị Thu Huyền, Phó chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, cho biết nếu trường hiện vẫn đang đào tạo và tiếp tục có hoạt động liên kết mới thì phải chuẩn hóa theo đúng quy định, nếu đã kết thúc và cấp bằng trước khi có kết luận thanh tra thì nêu rõ trong báo cáo kết quả thực hiện.
Nguyên nhân sai phạm
Thanh tra Bộ GD&ĐT nêu rõ nguyên nhân do trường chưa thực hiện đúng các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đã được Bộ GD&ĐT ban hành. Chưa kịp thời ban hành văn bản quy định cụ thể nội dung quản lý đào tạo thuộc phạm vi chức trách của hiệu trưởng. Chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ các phòng, ban, khoa để phù hợp với quy định của điều lệ trường ĐH.
Trường cũng chưa thực hiện việc tự thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo; chưa kịp thời tư vấn, hướng dẫn, cảnh báo cho sinh viên về thời gian tối đa được phép học theo quy chế đào tạo; chưa có đầu mối tiếp nhận, xử lý đơn thư và xem xét, giải quyết đơn thư theo đúng quy định.