Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đi cắm trại hơn một tuần, 4 người kẹt ở núi Dinh 1,5 tháng vì dịch

Những ngày kẹt trên rừng, không có sóng điện thoại, anh Huy coi đây là khoảng thời gian tạm nghỉ, sống chậm lại để học thêm kỹ năng mới cho công việc.

“Sáng dạo quanh rừng nghe chim hót, suối chảy. Chiều tản bộ và nghe tiếng mưa dông”, đó là đôi lời mô tả về cuộc sống tránh dịch trên núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) của anh Nguyễn Huy (33 tuổi), hướng dẫn viên du lịch, trong 1,5 tháng qua.

Chia sẻ với Zing, anh Huy cho biết cuối tháng 5/2021, sau khi dẫn đoàn khách từ TP.HCM đi trekking, cắm trại ở xã Trị An, tỉnh Đồng Nai, anh quyết định ở lại đây thêm một tuần. Sau đó, anh cùng 3 người bạn tiếp tục đi cắm trại ở núi rừng Ninh Thuận, Lâm Đồng đến hết tháng 6.

Đầu tháng 7, anh Huy định trở về nhà thì TP.HCM bùng phát dịch, rồi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Bạn anh nhắn tin báo rằng phường nơi anh ở bị cách ly vì xuất hiện nhiều F0.

Nhóm anh Huy quyết định di chuyển tới núi Dinh để tránh dịch và ở lại đến nay.

“Mình không nghĩ chuyến đi này lại dài đến như vậy. Những đợt trước có lâu thì cũng chỉ 1-2 tuần là về. Tuy vậy, đợt dịch này căng thẳng, mình cảm thấy có phần may mắn vì bị kẹt ở đây”, anh nói.

“Khu cách ly Covid-19. 1/7/2021”

Khi bắt tay vào dựng trại, làm lán ở tạm trên núi, nhóm anh Huy viết lên tấm biển để đánh dấu ngày mắc kẹt. Nhằm hạn chế tiếp xúc với người lạ, họ chọn địa điểm ở khá sâu trong rừng. Nơi hạ trại cũng gần nguồn nước và suối để tiện cho việc sinh hoạt.

Trong 2 tuần đầu tiên, cứ cách 2-3 ngày, nhóm anh Huy lại thay phiên nhau xuống núi để mua thực phẩm. Tuy nhiên, từ hôm 17/7, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, họ phải vào rừng lấy măng, hái nấm, bắt cua để cải thiện bữa ăn.

“Nhóm mình đều có kinh nghiệm cắm trại nên mang đầy đủ bạt che mưa, lều, đồ nấu bếp, quần áo. Điều khó khăn là mọi việc ăn uống, ngủ nghỉ phải chủ động. Trong rừng hay có mưa và gió lớn nên địa điểm hạ trại cũng phải tìm nơi không có cây khô, tránh xa chỗ ẩm ướt”, anh nói.

Theo anh Huy, việc mọi người tăng cân trong thời gian này là điều khó tránh khỏi. Họ vẫn tập thể dục, thường xuyên vào rừng lấy măng nhưng chuyến đi giống như nghỉ dưỡng nhiều hơn.

Sau 15 ngày, nhóm gặp cán bộ kiểm lâm và được khuyên xuống núi khai báo y tế. Sau đó, họ được giới thiệu tới ở ngôi chùa cách điểm cắm trại khoảng 3 km.

“Các sư thầy sẵn lòng cho nhóm mình ở lại tịnh xá, hàng ngày phụ giúp công việc bếp núc. Thời gian này, Phật tử không lui tới nên mọi người không lo lắng về Covid-19”, anh Huy kể.

Hàng ngày, cả nhóm thức dậy sớm, vào bếp nấu nước. Tới trưa và chiều, họ theo các thầy vào rừng hái măng, nấm để làm đồ ăn. Ở tịnh xá có gạo và các món chay khác nên bữa ăn của nhóm cũng thêm đa dạng, đủ dinh dưỡng.

Anh Huy cho biết chùa nằm khá xa chân núi nên gần như không có sóng điện thoại, thỉnh thoảng mới dùng được Wi-Fi. Tuy nhiên, nhờ đó, cả nhóm được sống hòa mình với thiên nhiên và tận hưởng không khí trong lành.

Với họ, đây là khoảng thời gian tạm nghỉ, sống chậm lại để học thêm kỹ năng mới cho công việc hướng dẫn viên trekking, cắm trại sau này.

“Hiện tại điều mình mong nhất là Sài Gòn dập hết dịch để cuộc sống của mọi người được trở lại như xưa. Mình cũng được trở về với công việc tour guide, hàng tuần dẫn khách đi trekking và camping ở những địa điểm đẹp. Hy vọng sớm hết dịch để tháng 10 này mình có thể chinh phục ngọn núi hùng vĩ kết hợp ngắm mùa lúa chín ở Tây Bắc”, anh Huy chia sẻ.

Đi cắm trại 3 ngày, chàng trai kẹt ở Tà Xùa hơn nửa tháng vì dịch

Không thể trở về Hà Nội khi chưa hết lệnh giãn cách, Hoàng Công quyết định ở lại trên đỉnh Tà Xùa hơn nửa tháng qua. Anh tăng gần 4 kg, cảm thấy sức khỏe, tinh thần tốt hơn nhiều.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm