Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đi dã ngoại được cộng 10 điểm cho môn chính khóa

Hoạt động ngoại khóa ở bậc THCS và THPT ở TP.HCM đang bị lạm dụng khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Chị T. Nguyễn, một phụ huynh lớp 10 trường THPT Tân Bình (quận Tân Phú, TP.HCM), phản ánh đầu năm, giáo viên chủ nhiệm lớp của con thông báo chương trình ngoại khóa môn văn tại Bến Tre, em nào đi thì được điểm 10, không đi thì… ráng chịu.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, đó cũng là bức xúc chung của nhiều phụ huynh khi triển khai chương trình mang tính tự nguyện nhưng lại đánh giá bằng điểm số.

Không có quy định chấm điểm 

Ông Phan Sĩ Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Tân Bình, cho biết năm nay, khối lớp 10 của trường có khoảng hơn 600 học sinh, nhưng chuyến học tại Bến Tre chỉ có hơn 300 em đăng ký.

Về phản ánh chuyện đi ngoại khóa mới được điểm 10 môn văn, ông Đạt cho hay sẽ kiểm tra làm rõ, nhưng tinh thần là không có, nếu giáo viên nào nói vậy là sai.

da ngoai duoc cong diem anh 1
Hoạt động ngoại khóa cho học sinh hiện còn nhiều bức xúc. Ảnh: Người Lao Động.

Theo chủ trương của Sở GD&ĐT TP.HCM, tiết học ngoài nhà trường là hình thức học tập thoát khỏi lớp học truyền thống, học sinh được ra ngoài trải nghiệm thực tế tùy theo từng chủ đề, từng bộ môn. Đây là hoạt động tổ chức theo hình thức xã hội hóa, mang tính tự nguyện nhưng sở khuyến khích các trường thực hiện.

Vì là hình thức tự nguyện, nên cho đến nay không có quy định cách chấm điểm cụ thể như thế nào cho những tiết học này. Tùy vào cách làm của từng trường, có trường lấy điểm thay thế kiểm tra miệng hoặc một tiết, nếu triển khai đề tài lớn thì lấy điểm một tiết. Ở một số trường nếu tổ chức theo hình thức liên môn, môn chính lấy điểm một tiết, môn phụ 15 phút.

Theo giáo viên một trường THPT, theo nguyên tắc, những học sinh đăng ký mới thực hiện bài kiểm tra theo các nội dung trong chuyến đi. Những em không tham gia thì có bài kiểm tra riêng. Nhưng như một "quy luật ngầm", chẳng có em nào muốn bài kiểm tra riêng, cũng không có học sinh nào đủ can đảm khi giáo viên đã mở lời.

Chi phí trên trời

Một hình thức học tập trải nghiệm có lợi cho học sinh, góp phần thay đổi cách dạy và học truyền thống tại sao lại khiến nhiều phụ huynh bức xúc đến vậy?

Một phụ huynh trường THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm cho biết không hiểu sao năm nào trường cũng tổ chức ngoại khóa ở Đà Lạt với chi phí gần một triệu đồng.

"Không biết qua chuyến đi học sinh học được cái gì nhưng chúng tôi thắc mắc tại sao muốn học ngoại khóa lại cứ nhất định phải là Đà Lạt. Ngoại khóa có thể ở nhiều nơi, nhiều hình thức. Có những em đã đi Đà Lạt chán với gia đình vẫn phải đi thêm cùng với nhà trường", phụ huynh này cho biết.

Nhiều vấn đề bất cập khi triển khai tiết học ngoài nhà trường cũng đã khiến nhiều giáo viên lên tiếng. Tại hội nghị sơ kết chương trình tiết học ngoài nhà trường tại Thảo Cầm Viên hồi cuối tháng 7, giáo viên tổ sinh - công nghệ trường THPT Nguyễn Hiền từng kiến nghị chi phí của tiết học quá cao, cần phải xem xét lại để bớt gánh nặng cho phụ huynh.

Trong khi đó, đại diện Phòng GD&ĐT quận 8 nêu ý kiến, tuy là học tại Thảo Cầm Viên, số lượng hướng dẫn viên còn ít, không bao quát hết học sinh trong một nhóm, ban tổ chức cũng không bổ sung đủ hướng dẫn viên tại các trạm như đã cam kết 10 học sinh/một kiểm soát viên. Học sinh được thực hành còn quá ít, vẫn phải thị phạm nhiều hơn, chẳng hạn ép mẫu vật nhưng chỉ khoảng 5,6 học sinh được thực hiện và chỉnh sửa.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất khiến phụ huynh bức xúc là chi phí ngoại khóa bị đội lên quá cao so với giá thực tế chính là. Một phụ huynh trường THPT V (quận 5) tính toán, nhà trường thu mỗi em 500.000 đồng cho chuyến đi Củ Chi, Cần Giờ là quá đắt.

Mỗi lần chỉ đi một buổi, kèm ăn trưa, nước uống, kể cả dùng kinh phí đó trừ các khoản tiền thuê xe, thuê hướng dẫn thì cũng vẫn còn dư. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện để đóng tiền cho con tham gia.

Có hay không chuyện độc quyền ngoại khóa?

Trước thông tin Sở GD&ĐT TP.HCM muốn độc quyền hoạt động ngoại khóa bằng hình thức chỉ định cụ thể một vài đơn vị lữ hành phối hợp với nhà trường tổ chức, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng thông tin không chính xác và không đầy đủ. Các trường có thể tự chủ động thực hiện hay phối hợp với công ty nào tùy trường và thỏa thuận với phụ huynh.

Thế nhưng, trong công văn hướng dẫn thực hiện tiết học ngoài nhà trường, sở nhấn mạnh các trường THCS, THPT và các đơn vị lữ hành muốn thực hiện riêng các chương trình tiết học ngoài nhà trường, các hoạt động trải nghiệm có nội dung liên quan chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và có xây dựng phương án kiểm tra đánh giá phải gửi toàn bộ chương trình, kế hoạch thực hiện, nội dung hoạt động và lực lượng tham gia và bài kiểm tra đánh giá về phòng trung học trước 30 ngày làm việc.

Như vậy, theo hiệu trưởng một trường THPT, các trường đã không còn tính tự chủ khi thực hiện. Để xây dựng một kế hoạch phải chờ cả tháng mới duyệt, hay thông qua, những kế hoạch khác ở nhà trường sẽ bị đảo lộn lên hết.

Người thầy đam mê đổi mới, sáng tạo

Thầy giáo Nguyễn Văn Khải dạy Văn, kiêm Bí thư Đoàn trường Phổ thông dân tộc nội trú - THPT tỉnh Tuyên Quang, được khen là giáo viên đam mê đổi mới, sáng tạo.

http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/di-da-ngoai-duoc-cong-10-diem-cho-mon-chinh-khoa--2017110911444543.htm

Theo Đặng Trinh / Báo Người lao động

Bạn có thể quan tâm