Mới đây, chương trình Vua tiếng Việt tập 6, phát sóng ngày 15/10 trên VTV3, xuất hiện câu "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ" trong phần thi Xâu chuỗi.
Sau khi người chơi đưa ra đáp án đúng, tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ, cố vấn chương trình, giải thích câu nói gồm hai vế. Vế thứ nhất "đi hỏi già" nghĩa là việc chào hỏi người cao tuổi, kính lễ là điều quan trọng. Vế thứ hai "về nhà hỏi trẻ" nghĩa là trẻ nhỏ thật thà, về nhà muốn biết chuyện gì đã xảy ra thì hỏi trẻ em, sẽ nhận được câu trả lời chính xác nhất.
Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương bổ sung phần giải thích, nói rằng vế "đi hỏi già" ngoài ý nghĩa kính lễ còn mang ý nghĩa khác là người già từng trải, hiểu biết nhiều. Khi ra đường, chúng ta hỏi người già sẽ nhận được câu trả lời chắc chắn nhất. Còn vế "về nhà hỏi trẻ" ý nói trẻ con ngây thơ, chúng có thể "tố cáo" mọi bí mật chủ nhà muốn giấu.
Khi tập 6 của chương trình phát sóng, một số khán giả nhận xét phần giải thích của tiến sĩ Đỗ Anh Vũ chưa hoàn toàn chính xác, đặc biệt là ở vế "đi hỏi già".
Một số ý kiến cho rằng tiến sĩ Vũ nói vế này mang ý nghĩa chào hỏi, kính lễ nhưng thực chất cách giải nghĩa này không truyền tải được toàn bộ ý nghĩa của câu "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ". Phần giải thích của tiến sĩ khoa học Đoàn Hương mới nêu được thông điệp chính xác của câu nói.
Câu "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ" xuất hiện trong chương trình Vua tiếng Việt. |
Chia sẻ với Zing, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, cho biết câu “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” có một biến thể là “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”.
Tác giả Nguyễn Đức Dương trong Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, giải thích: “Muốn biết điều gì khi ra khỏi nhà thì hãy tìm người già mà hỏi; muốn biết điều gì đã xảy ra ở nhà khi đi vắng thì hãy tìm lũ trẻ mà hỏi”.
Trong khi đó, tác giả Việt Chương trong Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2001, giải thích cụ thể hơn.
Tác giả viết: “Khi đi đâu để làm một việc gì, ta nên hỏi ý những người có tuổi, vì họ đã sống lâu, có nhiều kinh nghiệm quý báu. Nhờ đó mà ta dễ dàng thành công trong công việc. Hoặc đi ra đường, lạc đường lạc sá, ta nên gặp người lớn tuổi mà hỏi thăm, họ sẽ chỉ vẽ tường tận đường đi nước bước cho ta. Đến lúc về nhà, muốn biết việc gì đã xảy ra khi mình đi vắng, ta nên đón trẻ con hàng xóm mà hỏi. Trẻ vốn thơ ngây, biết gì nói nấy nên giúp mình nắm rõ được sự thật”.
PGS.TS Phạm Văn Tình kết luận rằng đây là kinh nghiệm dân gian trong hai tình huống ứng xử.
Thứ nhất, con người đi xa hay gần để làm việc gì đó, nên tham khảo ý kiến của người lớn tuổi (người già). Họ là người từng trải, có kinh nghiệm nên có thể cung cấp những bài học cần thiết, hữu ích. Hay nói cách khác, người già sẽ tư vấn cho chúng ta cách ứng xử phù hợp trong công việc.
Thứ hai, khi về nhà, nếu muốn nắm bắt thông tin liên quan những chuyện đã xảy ra khi đi vắng, chúng ta nên hỏi trẻ con. Trẻ nhỏ hồn nhiên, biết gì nói đấy. Những thông tin trẻ cung cấp chính là thông tin chân thực nhất chúng ta cần.
Nói tóm lại, mỗi thế hệ già, trẻ đều có giá trị riêng. Chúng ta cần biết vận dụng phù hợp để có được những thông tin, bài học bổ ích nhất.