Đi bộ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Ảnh: farrel_nobel. |
Đi bộ tốt cho sức khỏe là điều chúng ta đã được nghe rất nhiều. Tuy nhiên, mọi người thường ít khi thống nhất về một con số cụ thể để có được lợi ích từ hoạt động đi bộ.
Nhiều người có thể từng nghe về mục tiêu phổ biến 10.000 bước/ngày. Tuy nhiên, con số này vốn bắt nguồn từ hoạt động marketing trong những năm 1960 và chưa được chứng minh bởi điều tra y tế.
Trong bối cảnh đó, một nghiên cứu mới đây từ Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville đã đưa ra góc nhìn khác về việc một người nên đi bao nhiêu bước chân/ngày và cách đi nào có lợi cho sức khỏe nhất.
Đi bộ là phương pháp tập thể dục có thể thực hiện trong cả những ngày bận rộn. Ảnh: arturo_castaneyra. |
Thông qua dữ liệu từ máy chạy chuyên dụng, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng đi bộ 8.200 bước/ngày là ngưỡng để một người bắt đầu giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính khá đáng kể.
Theo đó, kết quả cho thấy mối liên hệ giữa việc đi bộ 8.200 bước và giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính bao gồm hiệu quả giảm:
- Béo phì
- Chứng ngưng thở khi ngủ
- Rối loạn trầm cảm nặng (MDD)
- Bệnh tiểu đường
- Tăng huyết áp
Ngoài ra, nghiên cứu này cũng cho thấy việc đi bộ nhiều bước hơn con số này làm tăng lợi ích của việc đi bộ đối với hầu hết người dân với các tình trạng sức khỏe khác nhau.
Tiến sĩ Evan L. Brittain, điều tra viên cao cấp của nghiên cứu, phó giáo sư y khoa tại Vanderbilt, nhận định: “Trong hầu hết trường hợp, việc đi bộ với nhiều bước chân hơn con số 8.200 là tốt. Tuy nhiên, với bệnh tiểu đường và tăng huyết áp, chúng tôi quan sát được hiệu quả sẽ ổn định hơn với khoảng 8.000-9.000 bước/ngày. Không có lợi ích rõ ràng nào được ghi nhận ở con số cao hơn”.
Dẫu vậy, điều này không đồng nghĩa người mắc 2 bệnh lý này nên dừng đi bộ khi đạt số bước chân trên. Nguyên nhân là ngoài yếu tố bệnh lý, việc đi bộ nhiều hơn vẫn mang đến những lợi ích khác.
Tiến sĩ Amanda Paluch, trợ lý giáo sư tại Đại học Massachusetts ở Amherst, giải thích hoạt động thể chất như đi bộ tác động tới cơ thể theo nhiều cách. Việc làm này ảnh hưởng đến gần như mọi tế bào của cơ thể để mang lại lợi ích cho sức khỏe.
“Đi bộ giúp thúc đẩy xương và cơ chắc khỏe hơn, kiểm soát cân nặng, giảm viêm mạn tính, giảm stress, cải thiện sức mạnh và hiệu suất của tim mạch, mạch máu… Những lợi ích này của đi bộ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, ung thư, đồng thời giúp chúng ta sống khỏe hơn”, vị chuyên gia nói.
Nghiên cứu dựa trên trình theo dõi thói quen tập luyện thể dục
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu trung bình trong 4 năm của 6.042 người tham gia được đưa vào nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ.
Cụ thể, những người này đã theo dõi bài tập của bản thân bằng cách sử dụng dây đeo tay Fitbit và cung cấp thông tin cho các nhà nghiên cứu quyền truy cập vào hồ sơ sức khỏe điện tử của họ. Từ đây, thống kê cho thấy những người tham gia đã đi bộ trung bình 7.731 bước/ngày.
Đi bộ phù hợp với tất cả đối tượng, ở mọi độ tuổi. Ảnh: daniel_bernard. |
Dữ liệu này đã tổng hợp tổng cộng 5.991.662 ngày (của tất cả người tham gia) và gần 50,6 tỷ bước.
Nhóm đối tượng chủ yếu là nữ với 73%, 84% da trắng và 71% có bằng đại học. Độ tuổi của các đối tượng nghiên cứu dao động từ 41,5 đến 67,6. Độ tuổi trung bình là 56,7. Các cá nhân cũng có sự khác nhau về cơ thể, từ bình thường đến béo phì, với chỉ số BMI trung bình là 28,1.
Các tác giả cũng lưu ý sự thiếu đa dạng là một hạn chế của nghiên cứu này.
“Đây là nghiên cứu yêu cầu người tập mang theo thiết bị của riêng mình. Do đó, nghiên cứu này chỉ bao gồm những người tham gia trước đó đã mua Fitbit và đeo thiết bị này thường xuyên với ít nhất 6 tháng dữ liệu”, tiến sĩ Paluch nói.
Tiến sĩ David Cutler, bác sĩ y học gia đình tại Trung tâm Sức khỏe Providence Saint John’s ở Santa Monica, cho hay cũng có khả năng xảy ra sai lệch trong nghiên cứu khi các tác giả chỉ điều tra trên những người khỏe mạnh, có động cơ cải thiện sức khỏe bằng cách mua thiết bị theo dõi sức khỏe điện tử, người tập thể dục nhiều và từ đó có kết quả sức khỏe tốt hơn.
Dù vậy, tiến sĩ Brittain lưu ý: “Chúng tôi tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ với một số bệnh mạn tính. Do đó, có thể nhận định rằng lợi ích tương đối của việc tăng hoạt động thể chất cao hơn ở những bệnh nhân ít vận động hơn".
Mức độ quan trọng của số bước chân
Về mặt lý thuyết, cường độ đi bộ thường được đo bằng số bước chân được thực hiện trong một phút. Cường độ vừa phải là khoảng 100 bước/phút và cường độ mạnh là 130 bước/phút.
Nghiên cứu cho thấy cả hai cường độ tập vừa phải và mạnh đều có lợi cho sức khỏe.
Tiến sĩ Cutler nói: “Những người đi bộ thường mạnh mẽ hơn và cho thấy những cải thiện về sức khỏe. Chỉ số BMI của những người này thường thấp hơn. Việc thường xuyên đẩy nhịp tim tới tốc độ nhanh thông qua đi bộ rất tốt cho cơ thể”.
Lý do nên chọn đi bộ
Tiến sĩ Cutler cho rằng đi bộ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch cũng như thay đổi thói quen ít vận động của đa phần người dân hiện nay.
Ông nói thêm: “Một lợi ích khác của việc đi bộ là cải thiện sức khỏe của xương. Khi chúng ta đi bộ, lý tưởng nhất là với tốc độ nhanh và đeo một số vật dụng để tăng trọng lượng, chúng ta đang phá vỡ các tế bào xương cũ, từ đó kích hoạt sự hình thành luân chuyển tế bào xương mới. Điều này rất có lợi trong việc giảm nguy cơ loãng xương, bệnh thường ảnh hưởng đến phụ nữ sau mãn kinh".
Tiến sĩ Paluch mô tả đi bộ là một “hoạt động thể dục tuyệt vời” nhiều người có thể tham gia.
“Bạn không cần thêm các trang thiết bị quá hiện đại để đi bộ. Phương pháp đi bộ có thể phù hợp với cuộc sống hàng ngày của chúng ta ngay cả trong một ngày bận rộn. Đây là ưu thế lớn thay vì tìm thời gian để đến phòng gym”, tiến sĩ Paluch nói.