Khi phát hiện mang bầu ở tuổi 22, Hoài Thịnh (24 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đang làm content marketing (tiếp thị nội dung) tại một agency. Vừa chân ướt chân ráo ra trường, lại làm trái ngành, cô hoang mang vì sợ bị đuổi việc, lo nghỉ sinh xong quay lại không cạnh tranh nổi với những bạn học đúng ngành mới tốt nghiệp.
Đến tháng thứ 5 của thai kỳ, Thịnh buộc phải nghỉ hẳn do bị thiếu máu và thai nghén nặng, liên tục bị ngất xỉu, nôn ói.
Thời điểm chính thức thất nghiệp cũng là lúc cô hoang mang nhất.
“Gần như ngày nào tôi cũng khóc. Lúc đó, chồng ở bên an ủi, giúp tôi lấy lại niềm tin”, cô chia sẻ với Zing.
Thời điểm đó, Thịnh đọc rất nhiều sách, cả về chuyên môn lẫn kỹ năng mềm. Cô nhận thêm vài dự án viết nội dung nhỏ lẻ, thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng, để không bị quên nghề.
Thịnh sinh con gái đầu lòng đúng đợt dịch Covid-19, chồng cô bị cắt giảm lương, chỉ còn 2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tiền nhà, điện nước, sinh hoạt phí không thay đổi.
Song song công việc văn phòng, chồng Thịnh phải chạy xe ôm để kiếm thêm. Thương chồng vất vả, cô lên các trang tuyển dụng tìm công việc.
Sau khi vượt qua phỏng vấn, cô trình bày nguyện vọng muốn làm việc từ xa và được công ty chấp thuận. Nhờ đó, kinh tế gia đình phần nào bớt chật vật.
“Quay trở lại công việc sau một thời gian gián đoạn, tôi rất loay hoay. Tuần đầu tiên, tôi phải xin sếp muộn deadline vài lần dù rất kỵ việc này”, cô kể.
Với Thịnh, đây vẫn là khoảng thời gian đầy vất vả. Chồng đi làm kiếm thêm, vợ vừa chăm con, vừa làm việc. Nhiều hôm, nhìn con nằm chơi một bên, laptop một bên, cô rưng rưng nước mắt.
Những hôm con khóc và ốm, Thịnh đành gác lại mọi việc, chờ ban đêm bé đi ngủ rồi mới mở laptop để làm, thường từ 21h đến 2-3h sáng.
Sau thời gian nghỉ thai sản và chuẩn bị đi làm trở lại, rất nhiều bà mẹ phải đối mặt với những câu hỏi: Khi nào quay lại với công việc? Cần cân bằng công việc - cuộc sống như thế nào? Trở về công ty cũ hay tìm việc mới? Liệu sự nghiệp của mình có bắt đầu lại từ con số 0?
Những câu hỏi khó lòng có đáp án chung, nhưng cho thấy nỗi bất an thường trực của nữ giới trong môi trường làm việc vẫn tồn tại sự bất bình đẳng.
Vợ chồng chia sẻ
Khi con 5 tháng tuổi, chồng Thịnh chính thức thất nghiệp, tìm việc mới cũng khó khăn bởi dịch còn phức tạp. Cùng lúc, công ty cũ gửi lời mời hợp tác, Thịnh thuyết phục chồng ở nhà để cô đi làm vì kinh tế khó khăn.
Ban đầu, chồng Thịnh từ chối. Cô từ năn nỉ đến tức giận, cãi vã. Cuối cùng, cả hai thống nhất rằng vợ đi làm lại, nhưng nếu sau 2 tháng không thể tăng thu nhập so với mức khởi điểm 8,5 triệu đồng, chồng sẽ tiếp tục gánh vác.
Khi con được 5 tháng tuổi, Hoài Thịnh đi làm trở lại còn chồng nghỉ ở nhà chăm bé. Với cả hai, đây là khoảng thời gian nhiều khó khăn. |
Thời gian đầu, chồng Thịnh rất vụng về trong việc chăm con, đặc biệt ở giai đoạn bé bắt đầu ăn dặm. Gần như ngày nào, Thịnh cũng phải hẹn giờ, gọi về để nhắc “đến giờ con ăn”, “tới lúc con ngủ”. Đến khi con ăn dặm thành thạo, cô luôn dậy sớm chuẩn bị rau củ, thịt cá cho con, rồi tới giờ lại gọi về chỉ cách nấu cho chồng.
Về phần Thịnh, dứt con khi còn chưa cai sữa để đi làm đồng nghĩa với luôn lo lắng và nhớ bé.
“Tan làm chỉ muốn về thật nhanh để ôm con. Nhiều khi gọi về thấy bé khóc đòi mẹ, tôi xót xa, không kìm được nước mắt”, cô nhớ lại.
Sau gần 2 tháng, chồng Thịnh quen hẳn với việc chăm con. Cô cũng nhàn và yên tâm hơn.
Biết chuyện gia đình Thịnh, sếp và đồng nghiệp đều cảm thông, hỗ trợ như duyệt phép dài ngày để cô chăm con ốm, cho làm việc tại nhà nhưng vẫn giữ nguyên lương.
Có những hôm chồng bận, Thịnh mang con lên công ty. Mọi người cũng hào hứng xuống sảnh chơi với em bé, cho cô ra ngoài lâu để trông con. Nếu không có sự giúp đỡ này, người mẹ trẻ nghĩ mình đã phải lựa chọn khác.
Bên cạnh dám đối mặt và vượt qua, Thịnh cho rằng việc chia sẻ sự nhớ nhung và khó khăn khi dứt con đi làm với chồng để được thông cảm, hỗ trợ tinh thần cũng là điều cần thiết.
“Dù có mạnh mẽ tới đâu, chúng ta vẫn cần chỗ dựa tinh thần vững chắc thì mới có thể vượt qua nhẹ nhàng. Tôi mong rằng tất cả phụ nữ, chưa, đã hoặc chuẩn bị lập gia đình, sẽ không xem việc lấy chồng, sinh con là rào cản trong con đường sự nghiệp”.
Nguyễn Khánh Vân Linh (sinh năm 1998) sinh con đầu lòng vào tháng 8/2022. Cô nghỉ thai sản đúng 7 tháng, bao gồm trước khi sinh 1 tháng và sau sinh 6 tháng. Trong khoảng thời gian này, Linh cho biết cuộc sống của mình chỉ xoay quanh em bé, nên khi chuẩn bị đi làm trở lại, cô có vô vàn nỗi lo.
“Em bé rất bám mẹ. Tôi rất lo khi không có mình ở nhà, con sẽ quấy khóc nhiều, không chịu ăn cháo, không uống đủ sữa, không thể ngủ ngon… Đó dường như là cảm giác chung của các bà mẹ”.
Vân Linh trở lại với công việc khi con tròn 6 tháng tuổi. |
Với Linh, khó khăn lớn nhất khi đi làm lại là phải sắp xếp thời gian hiệu quả, để vừa hoàn thành tốt công việc, vừa có thể dành nhiều thời gian cho gia đình, con cái. Vợ chồng cô sống cùng bố mẹ chồng nên có thể gửi con ở nhà cho ông bà chăm.
Những việc khác trong gia đình thì các thành viên chia nhau, không đặt gánh nặng lên bất kỳ ai. Thông thường, buổi tối đi làm về, Linh sẽ nấu sẵn cháo và chuẩn bị đồ dùng ngày hôm sau cho con; chồng cô nhận trách nhiệm giặt đồ, phơi đồ; cơm tối thì có ông bà nội thay phiên nhau chuẩn bị.
“Hai tuần đầu trở lại với công việc sẽ là khoảng thời gian stress nhất với các mẹ. Từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy mọi người cứ mạnh dạn bày tỏ mọi tâm tư, khó khăn, áp lực với người ở cạnh mình nhiều nhất là chồng. Nếu vợ chồng có thể thấu hiểu thì sẽ luôn tìm được cách giải quyết tốt nhất”.
Khi đã vượt qua giai đoạn đầu căng thẳng, con cái ăn ngủ có nề nếp hơn, Linh chia sẻ bản thân được thư thái, thoải mái và có thể làm việc hiệu quả hơn rất nhiều.
Khi chia sẻ câu chuyện của mình, cả Linh và Thịnh đều nói rằng bản thân may mắn vì có sự thấu hiểu của người thân, giúp đỡ của đồng nghiệp, cấp trên. Trước đó, họ cũng từng nghe hoặc chứng kiến nhiều trường hợp phụ nữ bị phân biệt trong môi trường làm việc khi mang thai, từ bỏ sự nghiệp sau khi sinh em bé.
Thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy 30% nữ giới trong độ tuổi sinh sản, tương đương với 649 triệu phụ nữ ở 185 quốc gia được khảo sát, không được hưởng đầy đủ chế độ theo Công ước Bảo vệ Thai sản.
Một số lao động nữ cho biết quản lý thay đổi thái độ khi nghe nhân viên thông báo việc mang thai. Những người này chịu áp lực phải nhanh chóng hoàn thành công việc và bàn giao trước khi nghỉ sinh.
Một số bị thuyên chuyển bộ phận, gây áp lực doanh số ngay khi bắt đầu đi làm trở lại sau kỳ thai sản. Khối lượng công việc được giao nhiều cộng thêm thái độ kém hợp tác từ phía quản lý khiến họ lựa chọn "rút lui" trước.
Đấu tranh tâm lý
Theo khảo sát năm 2022 của Khảo sát hộ gia đình ở Anh (BHPS), 75,8% phụ nữ quay trở lại làm việc sau khi sinh con đầu lòng. Trong đó, 32% trở lại làm việc toàn thời gian và 44% bán thời gian; 43% quay lại công việc cũ và 33% bắt đầu ở một công ty khác.
Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ (ACOG) khuyến cáo phụ nữ nên nghỉ làm ít nhất 6 tuần sau khi sinh con, nhưng 1/4 lao động nữ ở Mỹ trở lại làm việc trong vòng 2 tuần sau sinh, theo nhóm vận động nghỉ phép có lương PL+US.
Để đưa ra quyết định đi làm lại chỉ sau 3 tháng sinh con, Nguyễn Thị Vân Anh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), phải đấu tranh tâm lý rất nhiều. Một bên là suy nghĩ tuổi thơ con chỉ có một lần, một bên là gánh nặng kinh tế.
Trước đó, khi sinh con đầu lòng, Vân Anh nghỉ ở nhà chăm bé 18 tháng đến khi cho đi mẫu giáo. Nhưng ở lần mang thai thứ 2, cô xác định tinh thần và có sự chuẩn bị cho kế hoạch đi làm sớm vì điều kiện kinh tế không cho phép.
Em bé của Vân Anh chào đời đúng đợt Hà Nội bỏ giãn cách và sống chung với dịch để phát triển kinh tế. Do tuyển dụng khó khăn, hai đồng nghiệp phải gánh việc khi Vân Anh nghỉ.
“‘Lên dây cót’ trước là vậy, nhưng đến gần lúc đi làm trở lại, tôi vẫn có sự cân nhắc, nghĩ lại thấy thương con còn quá nhỏ”.
Sau khi sinh con thứ 2, Vân Anh muốn nghỉ ở nhà lâu hơn để chăm bé, nhưng điều kiện kinh tế không cho phép. |
Từ khi con 2,5 tháng tuổi, Vân Anh xin làm online để theo dõi lịch sinh hoạt của bé. Cô tập cho con quen cả bú bình lẫn bú mẹ. Thêm vào đó, mẹ chồng cũng thu xếp lên hỗ trợ chăm cháu khiến cô yên tâm hơn.
“Mới đầu dứt con đi làm, tôi nhớ con quay quắt. Vừa hút sữa ở công ty, vừa rơi nước mắt”, cô kể.
Với Vân Anh, việc ăn, ngủ của con là nỗi lo lớn nhất. Cô luyện cho con ăn theo cữ. Từ hôm trước, người mẹ vắt sữa và chuẩn bị sẵn các cữ cho bé ăn hôm sau. Đến giờ, bà nội chỉ việc hâm nóng sữa và cho cháu ti bình.
Đến khi con 6 tháng tuổi, Vân Anh tập cho bé ăn dặm tự chỉ huy kết hợp truyền thống.
“Ban ngày bà ở nhà, con ăn kiểu truyền thống. Chồng tôi sắp sẵn cháo, nước dashi, rau củ nghiền cho bé. Đến bữa, bà đảo lên cho cháu ăn. Đến tối, tôi cho con ngồi ăn cùng gia đình, tập ăn rau củ luộc là chính. Sau mỗi tháng, tôi tăng độ thô và nhóm thực phẩm đa dạng hơn”.
Thời gian trôi qua, con quen nếp ăn, ngủ và ngoan ngoãn, Vân Anh thấy nhẹ nhàng hơn nhiều. Tuy nhiên, cô khuyên các bà mẹ nếu có điều kiện nên cố gắng ở bên con càng lâu càng tốt.
Nghiên cứu “Nữ giới trong Công việc và Chỉ số Trao quyền Toàn cầu” (dựa trên khảo sát 22.000 lao động nữ trên toàn cầu) của PwC chỉ ra “nghĩa vụ làm mẹ” là một trong những yếu tố gia tăng khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ.
Theo đó, công việc chăm sóc trẻ nhỏ thiên về phía các bà mẹ khiến cho thời gian dành cho gia đình kéo dài, ảnh hưởng thu nhập cả đời của họ do tình trạng thiếu việc làm và chậm thăng tiến nghề nghiệp khi quay lại sau kỳ nghỉ thai sản.
Thu nhập của các bà mẹ thấp hơn 60% so với thu nhập của các ông bố trong vòng 10 năm sau khi sinh con đầu lòng, theo kết quả đo lường tại 6 nước OECD. Nhìn rộng hơn là thiệt thòi của phụ nữ trong lương hưu và tiết kiệm về già khi đến tuổi nghỉ hưu.
“Các chuẩn mực và kỳ vọng tiêu cực về giới đối với nam và nữ khiến cho việc làm mẹ trở thành một ‘hình phạt’. Đây hiện là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến khoảng cách về thu nhập theo giới”, bà Angela Yang, lãnh đạo bộ phận Hòa nhập và Đa dạng (Inclusion & Diversity) của PwC Việt Nam, cho biết.
Theo bà, cần có các giải pháp và chính sách để giải quyết các nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự bất bình đẳng, như dịch vụ chăm sóc trẻ em với mức giá hợp lý, phân bổ lại chế độ chăm sóc trẻ em không lương một cách bình đẳng hơn giữa nam và nữ, đồng thời thiết lập lại các chính sách nghỉ phép của cha mẹ để hỗ trợ mô hình gia đình “2 nguồn thu nhập - 2 người chăm sóc”.
Gánh nặng lời khen 'giỏi việc nước, đảm việc nhà'
Theo cuốn Phụ nữ vô hình của Caroline Criado Perez, trên thế giới, 75% công việc chăm sóc gia đình (công việc không-được-trả-lương) do phụ nữ cáng đáng. Họ dành 3-6 tiếng đồng hồ mỗi ngày cho những công việc đó, trong khi đàn ông chỉ dành ra từ 30 phút đến 2 giờ. Câu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" không phải là một cái danh ca ngợi, mà như một "cái còng", buộc người phụ nữ phải xoay xở vừa phải chăm lo được cho gia đình, vừa phải ra ngoài kiếm tiền. Theo chuyên gia, xuất phát từ quan niệm cho rằng phụ nữ có những đức tính phù hợp để chăm sóc gia đình hơn nam giới, do vậy, những công việc nhà cửa, bếp núc, nghiễm nhiên phù hợp với họ như một điều tất nhiên.