"Tính tiền cho bàn 9", "Đưa nước lên sân trên nha", "Cho khách bàn 5 order nữa"...
Tiếng khách, tiếng nhân viên gọi khiến Uyển Vi (sinh năm 2002) phải liên tục di chuyển từ quầy pha chế sang bàn tính tiền đến sảnh ngồi trên quán bar rooftop Trăng Non (đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh).
Những ngày đầu năm mới, quán bar này tổ chức các đêm nhạc acoustic. Lượng khách tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường nên những nhân viên như Vi đều làm việc không ngơi tay từ lúc mở cửa cho đến giờ đóng quán.
Uyển Vi dự định ở lại TP.HCM làm thêm trong Tết Dương lịch và Âm lịch. |
"Năm nay mình làm việc xuyên Tết Dương lẫn Tết Âm lịch. Thay vì về quê, tụ tập bạn bè hay nằm nhà bấm điện thoại, mình thấy đi làm như thế này có ích hơn. Ngoài ra, làm ngày lễ sẽ được nhân ba lương thưởng so với ngày thường", Uyển Vi nói với Zing.
Muốn bận rộn trong ngày lễ
Uyển Vi (quê Phú Yên) hiện là sinh viên năm hai Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM. Vi cho biết cô bắt đầu đi làm thêm ngay từ năm nhất đại học.
Tại quán bar rooftop, cô đảm nhận vị trí thu ngân từ một năm trước. Tuy nhiên, do dịch bệnh khiến quán đóng cửa nhiều tháng, Vi chỉ mới thực sự đi làm được khoảng nửa năm.
Vi chủ yếu đăng ký học online vào buổi chiều. Các lớp học kết thúc lúc 16-17h. Tới 18h, cô đi làm ở quán bar. Công việc thường kéo dài đến quá nửa đêm.
"Khó nhất là về giờ giấc nhưng với mình, đó không phải là vấn đề. Mình thường ngủ trễ nên thay vì nằm nhà bấm điện thoại, đi làm kiếm tiền vẫn hay hơn. Công việc này cũng mang đến cho mình rất nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm và mối quan hệ tốt".
Trước khi quyết định ở lại TP.HCM làm việc xuyên lễ, Vi đã bàn bạc và hỏi ý kiến bố mẹ trước. "Bố mẹ rất tôn trọng ý kiến của mình. Hơn nữa vì dịch bệnh và một vài lý do cá nhân nên gia đình cũng thông cảm cho lựa chọn không về quê ăn Tết của mình".
Đức Quỳnh cảm thấy hào hứng khi đi làm vào ngày đầu năm mới. |
Tương tự, Đào Trần Đức Quỳnh (sinh năm 2002), nhân viên phục vụ quán bar, cũng ở lại TP.HCM đi làm xuyên lễ thay vì về quê Đồng Nai.
"Mình học cấp 3 và đại học ở TP.HCM nên cũng quen với chuyện sống xa gia đình. Tết Dương lịch mọi năm mình cũng hiếm khi về quê.
Năm nay, do dịch bệnh nên mình không đi du lịch. Thay vào đó, mình đi làm thêm 2 ngày (31/12 và 1/1), 2 ngày còn lại dành ra để gặp gỡ bạn bè", Quỳnh nói.
Ngoài nhận được mức lương nhân 3 khi đi làm ngày lễ, Quỳnh cảm thấy hào hứng vì được bận rộn với công việc và gặp gỡ đồng nghiệp, khách hàng.
"Mình rất vui khi thấy khách tới quán đã đông trở lại. Mọi người dường như đã học cách thích nghi và trở về cuộc sống bình thường trước dịch".
Tiết kiệm tiền cho Tết Âm lịch
3 ngày lễ Tết Dương lịch, Kim Ngân (sinh năm 1997), nhân viên văn phòng đang làm việc tại quận Gò Vấp (TP.HCM), không nghỉ mà đăng ký đi làm để hưởng mức lương nhân 3.
Ngân nói điều khiến cô tiếc nhất là phải từ chối mọi lời hẹn đi chơi cùng nhóm bạn thân vì bận làm việc.
“Bạn mình có chị gái là chủ homestay tại Đà Lạt nên mời cả nhóm lên đó chơi trong 3 ngày lễ. Chưa từng lên đó bao giờ, nên phải từ chối cơ hội này làm mình cũng lấn cấn khá lâu. Giờ các bạn đang cùng nhau đi chơi vui vẻ, còn liên tục gửi ảnh vào group khiến mình khá tiếc”, Ngân nói.
Cô nàng 24 tuổi cho biết lý do không nghỉ lễ là để kiếm thêm một khoản, chuẩn bị về quê Quảng Bình đón Tết Âm lịch. Hơn 4 tháng phong tỏa, thu nhập của Ngân bị ảnh hưởng lớn. Số tiền tiết kiệm suốt nửa năm của cô cũng đã cạn.
“Mấy ngày lễ đi làm, mình đều bật bài ‘Đem tiền về cho mẹ’ của Đen Vâu nghe để có động lực mạnh hơn. Đùa vậy thôi, thực ra con gái đi làm xa cả năm, bố mẹ chỉ mong mình bình an về ăn Tết.
Chỉ còn mấy tuần nữa là về nhà rồi, mình cũng muốn tránh đi chơi ở những nơi đông người, đảm bảo an toàn để không vỡ kế hoạch ăn Tết năm nay”.
Ngân cho biết đa số đồng nghiệp cùng đội của cô đều đăng ký đi làm dịp lễ này, chỉ có một bạn nghỉ về quê Tây Ninh vì khá gần. Đêm cuối năm, cả đội rủ nhau về nhà một chị trong nhóm, cùng nấu ăn và đón năm mới 2022 cùng nhau.
Nhiều người trẻ làm việc xuyên Tết để nhận lương nhân 3. |
Vào Tết Dương lịch mọi năm, Thanh Thản (sinh năm 1996) thường về quê ở Đồng Tháp hoặc đi du lịch cùng bạn bè, người thân. Với anh, kỳ nghỉ cuối năm từng là dịp để "tự thưởng cho bản thân" sau một năm làm việc chăm chỉ.
Tuy nhiên, năm nay do tình hình dịch bệnh phức tạp, di chuyển cũng khó khăn, Thản quyết định hủy kế hoạch về quê thăm gia đình.
Anh ở lại TP.HCM làm việc cả 3 ngày lễ với mức lương nhân đôi, kèm một khoản tiền thưởng.
"Một năm khó khăn vừa qua đã làm thay đổi cuộc sống cũng như cách nghĩ của tôi rất nhiều. Làn sóng Covid-19 càn quét khiến công ty nơi tôi đang làm việc phải đóng cửa. Khoảng 3-4 tháng liền tôi đã phải ở nhà, khoản tiền dành dụm cứ thế vơi dần. Hiện tại, tôi chỉ mong tiết kiệm đủ một khoản dự phòng và giữ gìn sức khỏe để về quê đón Tết Âm lịch cùng gia đình", Thản chia sẻ.