Cơ quan công an đã di lý bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo từ trại tạm giam tại Hà Nội vào Trại giam T17, huyện Củ Chi, TP.HCM, tối 21/2 để chuẩn bị cho phiên xử sắp tới.
Công tác di lý được thực hiện nghiêm ngặt bởi sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và Công an TP.HCM.
Trong 86 bị cáo bị đưa ra xét xử có 70 người bị tạm giam, 11 người được tại ngoại và 5 người đang bỏ trốn.
Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 5/3 đến ngày 29/4, do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) làm chủ tọa. Có 10 kiểm sát viên thuộc VKSND Tối cao và VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa.
Trong vụ án này, bà Trương Mỹ Lan bị truy tố về 3 tội: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.
85 bị cáo còn lại bị truy tố về một trong các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và bị cáo Trương Mỹ Lan được xác định là bị hại trong vụ án. Cụ thể, bà Trương Mỹ Lan là bị hại liên quan đến hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản khi đại gia Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt của bà Lan số tiền 1.000 tỷ đồng.
Trong số các luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo, bà Trương Mỹ Lan có 5 luật sư gồm luật sư Phan Trung Hoài, Phan Minh Hoàng, Nguyễn Huy Thiệp, Giang Hồng Thanh và Trương Thanh Đức.
Bà Trương Mỹ Lan (trái) và đồng phạm. |
Theo cáo trạng, với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân. Từ năm 2011, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Dù không trực tiếp nắm quyền điều hành, bà Lan sở hữu 91,5% cổ phần của SCB thông qua các cá nhân khác. Sau khi thâu tóm thành công, bà Lan đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng phối hợp cùng cán bộ chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát rút tiền của ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay được lập khống.
Bà Trương Mỹ Lan đã nhiều lần chỉ đạo rút tiền trước, hoàn thiện hồ sơ sau. Cáo trạng xác định trong 10 năm, từ năm 2012 đến 2022, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng đồng phạm đã được SCB giải ngân hàng nghìn khoản vay, với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, phần lớn hồ sơ khoản vay được lập khống, tài sản đảm bảo không đủ giá trị pháp lý. Tính đến tháng 10/2022, tổng dư nợ không có khả năng thu hồi là hơn 677.000 tỷ đồng; sau khi trừ đi các tài sản bảo đảm có giá trị, thiệt hại gây ra là hơn 498.000 tỷ đồng.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc tham ô tài sản của SCB hơn 304.000 tỷ đồng, cùng với đó là hơn 129.000 tỷ đồng tiền lãi và chi phí phát sinh. Hành vi của bà Lan còn gây thiệt hại cho SCB hơn 64.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra. Trong 18 thành viên đoàn thanh tra, bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước bị cáo buộc Nhận hối lộ 5,2 triệu USD; 10 người bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 7 người không bị xử lý hình sự...
Độc giả của Znews có thể tìm đọc các cuốn sách tại Tủ sách pháp luật để tìm hiểu thêm về Luật tố cáo, Luật khiếu nại, Luật hình sự, Luật dân sự