Gần đây tôi thường xuyên bị ù tai mỗi khi thay đổi môi trường từ ngoài nắng vào phòng máy lạnh, điều này ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào, thưa bác sĩ?
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn, Trưởng khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM
Ù tai do nhiều bệnh lý ở vùng tai mũi họng cũng như một số bệnh lý nội khoa như tăng huyết áp, tim mạch, bệnh mạch máu, thiếu máu... gây ra.
Bạn ở trong môi trường nắng nóng quá hoặc ở trong phòng máy lạnh nhiều quá có thể gây viêm mũi xoang xuất tiết, dễ tắc vòi tai, gây ù tai. Nếu không điều trị sớm, bạn có thể bị viêm tai giữa tiết dịch, lâu ngày dẫn đến giảm thính lực.
Ngoài ra, trong mùa nắng nóng, việc thay đổi nhiệt độ đột ngột như đang đi ngoài trời từ 39-40 độ C mà bước vô môi trường máy lạnh khoảng 18-20 độ C có thể khiến các mạch máu tai trong co thắt đột ngột, gây ù tai (rối loạn tuần hoàn tai trong).
Với người lớn tuổi, nắng nóng quá sẽ có nhiều thay đổi trong cơ thể như hệ tim mạch, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh… gây mệt mỏi và ù tai nên dân gian mới có câu “mệt bở hơi tai”.
Để hạn chế, chúng ta nên mang khẩu trang thường xuyên, tránh thay đổi đột ngột khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
Khi ù tai, nên dùng ngón trỏ và ngón cái bóp chặt hai cánh mũi, ngậm kín miệng phồng má thổi hơi mạnh, đẩy hơi lên hai tai cho vòi tai mở ra và đỡ gây ù tai.
Trong trường hợp sau 3-5 ngày, nếu tình trạng ù tai không giảm, nên đến khám chuyên khoa tai mũi họng để được kiểm tra vòm, mũi họng loại trừ những nguyên nhân u vòm, u cửa mũi sau… cần thiết sẽ đo thính lực, chức năng vòi tai, thậm chí chụp CT-scan, MRI nếu cần.
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.