12h ngày 12/9, trong một phòng học tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề, Giáo dục thường xuyên (67 Phó Đức Chính, quận Ba Đình), gần 50 người cả già trẻ, lớn bé thưởng thức hộp cơm trưa ngon lành do một khách sạn gần đó chuẩn bị miễn phí.
Phần lớn trong số này là người dân sinh sống tại phường Phúc Xá, Phúc Tân nằm trong vùng ảnh hưởng của lũ sông Hồng, được hỗ trợ di tản trong đêm 10/9 và ngày 11/9.
"May quá ra được đây trú tạm chứ không phải gặm mì tôm sống rồi. Ở đây chỗ ngủ nghỉ, cơm canh đầy đủ, ăn ngon lắm, tôi chẳng lo gì hết", ông Nguyễn Bá Thành (73 tuổi, sinh sống tại ngõ 76 An Dương) nói.
Sáng 12/9, nhiều khu vực ở Hà Nội đã tạnh mưa, hửng nắng. Sau khi đạt đỉnh mức nước gần cấp báo động 3, mực nước sông Hồng cũng đang rút xuống dần song tốc độ chậm, nhiều nơi hiện vẫn bị ngập úng. Vì vậy, nhiều người dân di tản vẫn chưa thể trở về nhà.
Theo ghi nhận của Tri Thức - Znews, người dân được bố trí ngủ lại ở các phòng học của Trung tâm Giáo dục dạy nghề, Giáo dục thường xuyên, có đủ chăn, chiếu, điều hòa. Phường Trúc Bạch đã chuẩn bị khoảng 15 phòng, mỗi phòng dự kiến chứa được 20-30 người và các suất ăn đủ 3 bữa để người dân yên tâm tránh lụt. Lực lượng dân quân, nhân viên y tế cũng túc trực để sẵn sàng hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
"Còn người là còn của"
Khoe với phóng viên chiếc đài nghe nhạc, tin tức cầm tay, ông Thành cho biết vì nước lên nhanh, đây là món đồ có giá trị duy nhất ông kịp mang theo khi đi di tản lúc 18h ngày 11/9.
"Tuổi già mà, buồn quá, phải có cái đài nghe, còn theo dõi tin tức", ông bày tỏ.
Ông Thành được hỗ trợ thuê nhà từ thiện cùng 4 cụ ông neo đơn khác ở phường Phúc Xá, người lớn nhất đã 95 tuổi. Cả 5 người đều được an toàn đưa tới điểm di tản trên phố Phó Đức Chính trong tối 11/9.
Ông Thành (trái) chỉ kịp mang theo chiếc đài khi di tản. |
"Tôi còn khỏe nên cũng đi bán ít quần áo, đồ lặt vặt kiếm qua ngày. Hôm qua đi vội quá, chẳng kịp mang theo đồ để thay nhưng may mắn đến đây mọi người có quần áo từ thiện cho mặc tạm", ông kể.
Dù lo lắng cho đồ đạc ở nhà trọ, ông tự nhủ tính mạng, sự an toàn vẫn là trên hết, "mọi sự tính sau". Gần một ngày ở điểm trú tạm, ông Thành cho biết bản thân rất an tâm, sức khỏe ổn định.
"Ở đây cơm nước no nê, chỗ ngủ thoải mái. Tối qua tôi được ăn cơm có thịt quay, sáng nay có tận 2 phần xôi thịt, trứng, ngon hơn cả ngày thường. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến lãnh đạo các phường cũng như các cơ quan, nhà hảo tâm đã hỗ trợ chúng tôi thời gian này".
Ông Dũng được hỗ trợ chở tới điểm lánh nạn do đi lại khó khăn. |
Ngồi cách ông Thành không xa, ông Dũng (56 tuổi) cũng bày tỏ sự lạc quan. Đi lại khó khăn, phải dùng nạng di chuyển từ năm 2014, ông được hỗ trợ chở bằng xe máy đến tận nơi trú tạm. Cũng chẳng kịp mang theo gì, ông thở phào khi tới nơi được phát quần áo, một số vật dụng vệ sinh như khăn mặt, bàn chải đánh răng.
"Có mỗi chiếc xe máy giá trị nhất, tôi đã khóa lại gửi ở bãi, mấy nữa về mà bị ngập hỏng thì tìm cách sửa thôi", ông nói.
Đêm đầu tiên ở điểm tránh lụt, ông không ngủ quen, lấy ghế ra hành lang ngồi nhìn đường phố, bồn chồn khi phía khu nhà vẫn tối om do cắt điện.
Vợ ông Dũng đã qua đời do ung thư, cô con gái lấy chồng ở cùng quận. Hôm qua, cô đã tranh thủ vào thăm, mua cho ông ít đồ ăn, đồ dùng tạm.
Mong nước sớm rút để về nhà
Ngồi trò chuyện với những người mới quen trong căn phòng ngủ tạm, chị Thanh (46 tuổi, phường Phúc Xá) cho biết gia đình chị có 9 thành viên, gồm vợ chồng chị và 2 con, ông bà ngoại, cùng gia đình người em trai tới đây từ chiều 11/9.
Sáng nay, vì trường ngập và mất điện, một người cháu lớp 10 chuyển sang học online, một cháu vẫn đi học bình thường còn hai bé nhỏ nhất, 7 và 10 tuổi, được nghỉ học.
Chị Thanh (áo cam) mong mỏi sớm được về nhà dọn dẹp. |
"12h hôm qua, tôi đang làm việc ở quán phở thì mọi người gọi, bảo mất điện, nước dâng rồi nên chạy về xem. Nước lên nhanh quá làm xe tôi chết máy, phải dắt bộ. Cuối cùng, cả nhà chẳng kịp mang theo gì, mỗi người lớn dắt tay một đứa nhỏ mà chạy", chị kể.
Sinh sống ở khu vực này hơn 10 năm nay, chị Thanh chưa từng thấy trận bão hay lụt nào lớn đến vậy. Hiện, chị chỉ mong sao nước sớm rút để về dọn dẹp nhà cửa và kiểm kê tài sản thiệt hại.
Thanh Vân và Bảo Ngọc, cùng sinh năm 2006, sinh viên năm nhất Cao đẳng Ngoại ngữ Hà Nội, cũng chung mong mỏi sớm được trở về. Khi nước lên ngập nhà trọ và trường, Vân định về quê Hải Dương lánh tạm song ở nhà cũng chung cảnh ngộ.
Ngày 11/9, khoảng 12h, hai người bạn đang ngủ thì tỉnh giấc vì mất điện, trời nóng. Khi mở cửa ra ngoài, cả hai hốt hoảng khi nước đã bắt đầu dâng và mọi người trong khu được yêu cầu di tản.
"Chúng tôi nhanh chóng bỏ hết đồ giá trị, đồ điện tử lên gác rồi cầm theo ít đồ cá nhân chạy lụt. Năm đầu tiên ở Hà Nội, chúng tôi đã gặp ngay trận bão lụt lịch sử", Vân cảm thán.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.