Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thực hư bức ảnh người đàn ông Hà Giang đưa vợ con đi chạy lũ

Hình ảnh được nhiều người chia sẻ không phải câu chuyện thực tế trong cơn lũ ở Hà Giang mà là nội dung video của một YouTuber.

Những ngày qua, nhiều trang mạng xã hội chia sẻ bức ảnh một người đàn ông lội nước, đẩy vợ và con nhỏ ngồi trong chiếc chậu nhựa. Các fanpage đều chú thích bức ảnh là người đàn ông ở xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đưa gia đình sơ tán khỏi dòng nước lũ đang hoành hành tại Hà Giang. Các bài đăng đều nhận được nhiều lượt tương tác và bình luận thương cảm.

Tuy nhiên, ngày 11/9, Uỷ ban nhân dân xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã lên tiếng đính chính về bức ảnh thông qua fanpage trên Facebook. Theo đó, thông tin được lan truyền là sai sự thật.

Cụ thể, trong bức hình là vợ chồng anh Phạm Xuân Dư, có hộ khẩu thường trú tại thôn Tân Lập, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Thời gian qua, vợ chồng anh Dư làm công việc là YouTuber tại địa phương. Hình ảnh trên là một trong những content (nội dung) của anh Dư được thực hiện vào thời điểm mưa lũ.

"Trước đó do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, từ sáng ngày 9/9 trên địa bàn xã có nhiều điểm đã bị ngập úng cục bộ: Thôn Ngọc Hà, Đội 5, Nậm Dầu, Tân Lập, Lũng Loét, Khuổi Vài...

Ngay sau khi xảy ra mưa lũ ngập úng, xã đã huy động các lực lượng tích cực khắc phục hậu quả và đảm bảo an toàn cho các phương tiện di chuyển tại các thôn xảy ra ngập úng. Với phương châm 'bốn tại chỗ' (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để hỗ trợ, sơ tán người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn", bài đăng trên fanpage của xã Ngọc Linh thông tin.

Ủy ban nhân dân xã Ngọc Linh cũng đề nghị người dân tỉnh táo trước các thông tin lan truyền trên mạng xã hội, cần theo dõi thông tin chính thức tại các website, báo chí chính thống và không chia sẻ những thông tin trên mạng khi chưa được kiểm chứng chính xác.

Phía dưới bài đăng, anh Phạm Xuân Dư cũng xác nhận thông tin đính chính của Ủy ban nhân dân xã Ngọc Linh.

"Rất may có bài viết của UBND xã Ngọc Linh giúp mọi người hiểu rõ hơn. Vì nước lũ lên nhanh và không kịp di tản sớm. May mắn không có thiệt hại về người. Tài sản cũng kịp được các anh ở xã giúp chuyển đến nơi an toàn", anh viết.

Trước đó, vào tối 6/9, nhiều trang mạng xã hội cũng chia sẻ bức ảnh một con bạch tuộc lơ lửng giữa không trung với những dòng chú thích như: "Một con bạch tuộc tại đảo Hải Nam, Trung Quốc khi bão Yagi ập vào, đã mất đi luôn nhà của mình" hay "Tưởng không thật nhưng mà thật đó, Hải Nam, Trung Quốc trong cơn bão".

Tuy nhiên, đó cũng là thông tin hoàn toàn sai lệch. Bức ảnh con bạch tuộc không hề liên quan đến bão Yagi, mà đã được chụp từ năm 2018. Hình ảnh được ghi lại tại thành phố ven biển Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông phía đông Trung Quốc. Lúc đó, một số động vật biển bị vòi rồng, ảnh hưởng từ một cơn bão, cuốn vào đất liền và ném lên không trung, tạo nên "cơn mưa hải sản".

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Thực hư bức ảnh 'bạch tuộc mất nhà trong siêu bão Yagi'

Một bức ảnh được chụp từ năm 2018 đang viral trên mạng xã hội với những thông tin sai lệch liên quan đến bão Yagi (bão số 3).

Mai An

Bạn có thể quan tâm