Nếu không phẫu thuật sớm, dị tật có thể ảnh hưởng đến tâm lý lâu dài của trẻ. Ảnh: Freepik. |
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Cao Nhân và bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Huy Trọng Hiếu, khoa Ngoại thận - tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), một trong những bất thường cơ quan sinh dục nam thường gặp ở bé trai là lỗ tiểu thấp.
Đây là một trong những dị tật bẩm sinh ở hệ tiết niệu sinh dục thường gặp nhất với tỷ lệ mắc 1:250.
Trẻ bị dị tật này khi lỗ tiểu không nằm ở đỉnh quy đầu mà mở ra ở mặt bụng (mặt dưới) dương vật. Lỗ tiểu có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào, từ dưới khấc quy đầu đến giữa hai bìu.
Dị tật lỗ tiểu thấp thường được phân loại thành 3 thể, gồm thể trước (thể nhẹ), thể giữa, thể sau (thể nặng). Các dị tật có thể đi kèm bệnh này bao gồm tinh hoàn ẩn, thoát vị bẹn.
Lỗ tiểu thấp xuất hiện do sự phát triển bất thường của niệu đạo trong quá trình bào thai. Nguyên nhân đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể liên quan bao gồm yếu tố gia đình, sự bất thường hormone trong thời kỳ mang thai, yếu tố môi trường: Thực phẩm, hóa chất…
Lỗ tiểu thấp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của bệnh nhi. Trẻ không được phẫu thuật điều trị lỗ tiểu thấp thường gặp một số vấn đề tâm lý như mặc cảm về ngoại hình, dễ căng thẳng, thậm chí trầm cảm về sau.
Bệnh này thường được chẩn đoán dễ dàng qua thăm khám. Các biểu hiện của một trường hợp mắc lỗ tiểu thấp điển hình bao gồm:
- Lỗ tiểu nằm ở mặt bụng (mặt dưới) dương vật.
- Cong dương vật.
- Bất thường da quy đầu (dư da mặt lưng, thiếu da mặt bụng dương vật) - tạo da quy đầu hình mũ trùm.
Đa số trường hợp lỗ tiểu thấp đều cần được phẫu thuật tạo hình niệu đạo và tạo hình dương vật. Một số ít các trường hợp lỗ tiểu thể nhẹ, kèm dương vật không cong có thể không cần phẫu thuật.
Thời điểm phẫu thuật lý tưởng cho trẻ mắc dị tật này là giai đoạn 6-24 tháng tuổi, tùy từng trường hợp cụ thể.
Tỷ lệ thành công trong điều trị lỗ tiểu thấp khoảng 70-80%. Các trường hợp phẫu thuật thất bại cần được chỉnh sửa lại sau ít nhất 6 tháng.
Bạn có thường xuyên quên để điện thoại ở đâu? Không nhớ ra mình đã khóa cửa nhà chưa? hay quên cuộc hẹn quan trọng với đối tác? Bạn băn khoăn và lo lắng liệu có phải mình bị suy giảm trí nhớ hay không?
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả bác sĩ Trần Quốc Khánh chia sẻ các giải pháp giúp bạn cải thiện trí nhớ hiệu quả. Ngoài ra, cuốn sách cũng tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.