Nhạc trẻ trữ tình chiếm ưu thế tuyệt đối
Cùng với sự bùng nổ của Internet, âm nhạc trên toàn thế giới đã có thêm công cụ phát hành mới, giúp khán giả tiếp cận đơn giản và dễ dàng hơn: nhạc trực tuyến. Tất nhiên, Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy xu thế chung. Giai đoạn 2005 – 2007 là thời điểm xuất hiện những trang chia sẻ nhạc trực tuyến đầu tiên dành cho khán giả Việt.
Một thời gian dài, khái niệm “nhạc trên mạng” bị nhìn nhận là “nhạc rác”, chất lượng kém. Đây cũng là điều dễ hiểu, khi bất cứ ai cũng có thể đăng tải, chia sẻ một bài hát hay video clip lên website âm nhạc. Dần dần, thế giới nhạc online giống như một bể chứa khổng lồ, có hay cũng có dở.
Nhưng mọi tác phẩm đều phải chịu sự phán xét và đào thải của công chúng. Sự xuất hiện của hệ thống bảng xếp hạng, cho đến giải thưởng riêng là công cụ hữu dụng để sàng lọc. Trong số đó, Zing Music Awards (ZMA) - ra đời năm 2010 - là giải thưởng chính thức đầu tiên dành cho nhạc trực tuyến tại Việt Nam, nhằm vinh danh tác phẩm hay và cá nhân có nhiều đóng góp cho thế giới nhạc mạng mỗi năm. Nguyên tắc trao giải phản ánh gu của thị trường thông qua chỉ số Z (lượt xem/nghe, thích, bình luận và chia sẻ từ khán giả), kết hợp với lựa chọn của giới chuyên môn. Một trong những hạng mục ZMA được đánh giá cao, nhờ dung hòa tốt chất lượng nghệ thuật lẫn sức ảnh hưởng đối với khán giả mạng, là giải Ca khúc của năm.
Trong 2 năm đầu tiên (2010-2011), ZMA chưa có hạng mục Ca khúc của năm như những năm sau này. Thay vào đó, thị trường nhạc trực tuyến trong một năm được xác định một phần bóng dáng qua Top 10 ca khúc được yêu thích nhất. Đây là giải thưởng dựa hoàn toàn vào chỉ số Z.
Một đặc điểm dễ nhận thấy nhất là người nghe nhạc trực tuyến vẫn tuyệt đối ưa chuộng những ca khúc nhạc pop nhẹ nhàng. Năm 2010, số đông top 10 đều thuộc dòng nhạc trữ tình, có giai điệu da diết như Tìm lại giấc mơ (Hồ Ngọc Hà), Lặng thầm (Noo Phước Thịnh). Đến năm 2011, xu hướng này vẫn được giữ nguyên.
Những ca khúc pop ballad của Hà Hồ được nhiều khán giả trẻ yêu thích. |
Gu thưởng thức âm nhạc của giới trẻ Việt nghiêng về những sản phẩm thị trường đơn giản, có giai điệu dễ nghe, dễ nhớ như Chỉ anh hiểu em (Khắc Việt), Muộn màng (Thủy Tiên)... Có lẽ người nghe nhạc trực tuyến phần lớn thưởng thức theo nhu cầu cá nhân, trong không gian riêng, nên một bản tình ca dễ được chọn nghe đi nghe lại nhiều lần hơn thể loại rock, rap hay dance.
Sự thừa nhận đối với giới underground
Năm 2012, giải Ca khúc của năm lần đầu xuất hiện trong hệ thống ZMA đã thuộc về Thu cuối (Yanbi, Mr.T, Hằng Bingboong). Một năm sau, một cái tên còn khá xa lạ với giới âm nhạc chuyên nghiệp – Justa Tee – đã ôm trọn chiếc cúp danh giá nhờ Forever Alone.
Ca khúc tự bạch dễ thương về tình trạng “ế” của chàng trai trẻ thu về 50 triệu lượt nghe ở vào thời điểm trao giải. Con số khủng này là điều đáng mơ ước với bất cứ ca sĩ nào, dù nghe thu phí hay miễn phí. Tính riêng trong năm 2013, Forever Alone thuộc danh sách những bài hát có lượt nghe nhiều nhất, giữa hàng trăm, hàng nghìn bài hát chia sẻ trên Zing Mp3.
Điểm chung giữa những gương mặt sở hữu giải Ca khúc của năm là họ đều xuất phát từ giới underground. Nhờ hiệu ứng của Internet, sự phát triển mạnh mẽ của trang mạng trực tuyến, Thu cuối và Forever Alone đã tạo thành cơn sốt trong giới trẻ suốt một thời gian dài. Các bài hát này đều thống trị các bảng xếp hạng nhạc trực tuyến dù không hề có kế hoạch lăng xê chuyên nghiệp.
Thu cuối và Forever Alone vẫn tuân theo công thức đã làm nên thành công cho nhiều ca khúc trên mạng: giai điệu đơn giản, dễ nghe. Điểm mới mẻ của hai bản hit so với Top 10 ca khúc 2010 - 2011 nằm ở thể loại. Thay cho phong cách pop, trữ tình quen thuộc là chất nhạc hip-hop/rap hiện đại, trẻ trung.
Justa Tee nhận giải Ca khúc của năm tại ZMA 2013. |
Dù gây bão, các ca sĩ trẻ cũng vấp phải không ít bàn cãi về yếu tố nghệ thuật, chất lượng âm nhạc từ truyền thông và giới chuyên môn. Có thể nói, lựa chọn của Hội đồng nghệ thuật ZMA – một giải thưởng dành riêng cho nhạc trực tuyến – đã phần nào thừa nhận sức hút không thể phủ nhận của dòng nhạc hip-hop/rap underground.
Khi không còn bị chi phối thụ động bởi các yếu tố bên lề, như hiệu ứng trình diễn trên sân khấu, kế hoạch lăng xê, MV thu hút hay thậm chí ngoại hình, công cụ nhạc trực tuyến sẽ đưa khán giả trở lại với điều thuần túy nhất để lựa chọn sản phẩm: giai điệu âm nhạc và sở thích cá nhân.