Năm 2018, Xu tình cờ phát hiện anh có thể đặt gà rán miễn phí theo cách thanh toán bằng phiếu giảm giá trong ứng dụng KFC chính thức, sau đó lập tức yêu cầu hoàn tiền thông qua tài khoản WeChat của công ty, theo Odditycentral.
Không chỉ sử dụng kẽ hở này phục vụ lợi ích cá nhân trong suốt 6 tháng, Xu còn chia sẻ với nhiều người và thu lợi nhuận từ đó. Cụ thể, nam sinh viên rao bán các phiếu giảm giá trên mạng để kiếm lời, đồng thời tiết lộ với 4 bạn học phát hiện của mình về lỗi ứng dụng của KFC.
Từ tháng 4 đến tháng 10/2018, Xu gây thiệt hại hơn 58.000 nhân dân tệ cho người điều hành cửa hàng KFC ở Trung Quốc. Trong khi đó, tổn thất kinh tế do 4 sinh viên khác gây ra dao động 8.900-47.000 nhân dân tệ.
Tổng cộng, 5 người này bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 200.000 nhân dân tệ (31.000 USD) cho công ty.
Nhóm sinh viên chịu án tù vì lợi dụng sơ hở đặt hàng trên ứng dụng của KFC để mua đồ ăn miễn phí. Ảnh: Pixabay. |
Chi tiết về việc 5 sinh viên trên bị bắt như thế nào không được đưa trên truyền thông Trung Quốc. Gần đây, họ bị đưa ra xét xử và lãnh án tù vì tội lừa đảo.
Xu nhận bản án 2,5 năm tù và nộp phạt 6.000 nhân dân tệ. Các bạn học của Xu lãnh từ 15 tháng đến 2 năm tù và bị phạt tiền 1.000-4.000 nhân dân tệ.
Vụ việc đang gây ra cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người tự hỏi liệu việc lợi dụng phần mềm được lập trình yếu kém có thực sự cấu thành tội phạm hay không.
Câu trả lời từ các nhà chức trách Trung Quốc là có. Họ so sánh hành động của 5 sinh viên trong trường hợp này với việc rút tiền mặt từ máy ATM bị trục trặc và chiếm đoạt tiền. Ở đất nước tỷ dân, điều này cấu thành hành vi làm giàu phi chính đáng và bị coi là tội phạm.